Di sản xứ Mường liên tục tỏa sáng
Trong khi Mo Mường hướng tới di sản văn hóa thế giới, thì Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi người Mường vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt hai quyết định công bố Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi (lịch Tre) của người Mường vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tham vàng, bỏ Ngãi
Khai hạ (Khuống mùa) là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường tỉnh Hòa Bình. Theo nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình: Tâm thức người dân bốn vùng Mường lớn: Bi - Vang - Thàng - Động, lễ hội Khai hạ mang ý nghĩa tôn kính các vị thần và những người có công lập đất, lập Mường, cầu mong mùa màng bội thu.
Lễ hội Khai hạ Mường Bi diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng tại miếu thờ xóm Lũy - nơi gắn liền với truyền thuyết về vua Bà và tam vị Tản Viên Sơn thánh. Theo truyền thuyết, vua Bà đi từ núi Tản sông Đà đến cầu bến Mảng thì gặp lũ nên giả trang thành kẻ nghèo đói.
Lúc đó, có hai gia đình đang bừa ruộng, vua Bà đến thử lòng một gia đình đang bừa bằng một con trâu. Bà nhờ đưa qua suối, nhưng người này trả lời đang bận không đưa được. Vua Bà lại sang ruộng nhà bên đang bừa bằng 8 con trâu. Người này không đắn đo mà đưa bà sang luôn.
Khi qua suối, bà truyền: “Từ nay nhà ta, giàu thêm có thặm đấy” (từ nay nhà giàu có, rồi lại càng giàu có thêm). Thế là từ đó, nhà này luôn giàu có hơn các gia đình khác, ăn nên làm ra cầu gì được nấy.
Tiếp tục đến xóm Khung, vua Bà ghé vào một gia đình. Được chủ nhà tiếp đón tử tế nên vua Bà thưởng cho một thửa ruộng, gọi là nà Mằn (ruộng Mằn), cấy trồng 2 vụ tốt tươi. Bà đi tiếp đến một nhà khác, nhà này không có con, bà bèn ban cho một đứa con trai đặt tên là Ngãi.
Năm sau, bà về thăm mang theo một túi vàng. Bà thử lòng treo túi vàng ngoài cổng và đi vào nhà. Vợ chủ nhà có lòng tham giấu túi vàng đi nên bà không cho con nữa, và lấy mất thằng Ngãi. Từ đó, ân trong vùng có câu “tham vàng, bỏ Ngãi”.
Hàng năm, việc chuẩn bị cho lễ hội Khai hạ ở bốn vùng Mường có sự phân công khá chi tiết. Phần lễ, các vùng Mường đều có nghi lễ rước kiệu hoặc cúng tại mó nước và xin rước nước. Ngày nay, phần rước kiệu chỉ còn ở Mường Bi và Mường Thàng, cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên chỉ còn diễn ra tại Mường Bi và Mường Vang.
Ngày lùi tháng tới
“Lịch Đoi được xem như một công trình khoa học, thể hiện tài chiêm tinh của người Việt xưa. Lịch Đoi chậm hơn âm lịch 15 ngày, vì thế người Mường Bi ăn Tết hai lần. Lần 1 là Tết Nguyên đán theo âm lịch, lần 2 là Tết theo lịch Đoi - tức là sau Tết Nguyên đán 15 ngày, gọi là ăn Tết lại”. Nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình
“Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động/ Cơm đồ nhà gác, nước vác lợn thui, ngày lùi tháng tới” - câu nói ấy của người Mường không chỉ ẩn ý xếp hạng lớn nhỏ, mà còn ý tứ nhắc về bộ lịch cổ với cách tính riêng biệt, đầy bí ẩn nhưng cũng rất chính xác.
Bộ lịch cổ ấy được gọi là lịch Đoi (lịch Tre) - một giá trị văn hóa tuyệt vời còn sót lại. Bộ lịch hiện vẫn còn được giữ gìn trong những gia đình trí thức truyền thống của người Mường, và các gia đình tầng lớp thầy Mo.
“Nguồn gốc lịch Đoi mà người Mường Bi hay dùng có khá nhiều giả thuyết. Dưới góc độ thiên văn, người Mường đã sản sinh ra một loại lịch riêng độc đáo, không chỉ tồn tại trên thực tế mà còn gắn liền với một truyền thuyết kỳ thú, giải thích cội nguồn ra đời của bộ lịch”, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình cho hay.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hùng Vương dựng nước, có một lần nhà vua dạo thuyền trên sông, do sơ ý đã để rơi một viên ngọc quý. Nhiều thợ lặn tài giỏi được gọi đến, song không ai tìm ra. Nhà vua bèn triệu tập tất cả các đạo sĩ nổi tiếng trong nước đến để dò tìm viên ngọc nhưng đều vô hiệu.
Một hôm, có thổ Lang Mường giỏi thiên văn xin vào yết kiến nhà vua. Sau khi xem một quẻ bói bằng chân gà, thầy Lang tâu: Viên ngọc quý không thể nào mất được, nó đang chờ giờ tốt để trở về nhà vua. Vua tỏ lời cảm ơn nhưng lòng nghi hoặc. Bước sang ngày thứ sáu kể từ hôm thổ Lang Mường gieo quẻ, vào buổi sáng có một người dân chài đem dâng vua một con cá chép to vừa bắt được dưới sông.
Nhà vua vẫn trong tâm trạng không vui vì chưa có tăm hơi của viên ngọc quý. Mãi đến chiều tối vào giờ “khuông bắn”, người đầu bếp cung đình mổ cá mới phát hiện một viên ngọc quý sáng rực, vội tâu báo. Nhà vua mừng vui khôn xiết liền cho gọi thổ Lang Mường đến gia thưởng ngọc ngà châu báu. Thổ Lang Mường xin vua gia ân một điều - để cho dân Mường ngày thì lui lại một ngày và tháng lại sớm hơn ba tháng.
Từ đó, người Mường có lịch riêng và lưu truyền câu nói: “Cơm đồ nhà gác, nước vác lợn thui, ngày lùi tháng tới”. Cũng theo ông Bình, lịch pháp Mường thiên về âm lịch dựa vào sự quan sát chuyển động của Mặt trăng cũng như sự vận chuyển của sao Đoi để phân định ngày, giờ, tháng, năm.
Từ đó chế định ra 12 thẻ tre, mỗi thẻ là một tháng. Trong đó có số ngày trong tháng ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt xấu, đại cát, xích khẩu.
Một trong những bộ lịch Đoi nổi tiếng được bảo tồn thuộc về gia đình nghệ nhân Bùi Văn Lựng ở xã Phong Phú (Tân Lạc). Bộ lịch đã trải qua 7 đời, gồm 12 thẻ tre. Dựa vào bộ lịch này, người Mường tính ngày tốt, ngày xấu, ngày nắng, ngày mưa để thực hiện các nghi lễ thiêng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/di-san-xu-muong-lien-tuc-toa-sang-post602512.html