Đi tìm chiều sâu trong bóng chữ trong Ngày Thơ Việt Nam
'Tổ quốc bay lên' là chủ đề Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 được tổ chức vào Rằm tháng Giêng năm nay.
![Minh họa/INT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_181_51415285/f3ff122f2b61c23f9b70.jpg)
Minh họa/INT
“Tổ quốc bay lên” là chủ đề Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 được tổ chức vào Rằm tháng Giêng năm nay, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể nói, Tổ quốc luôn là chủ đề lớn nhất, tập trung nhất, trở đi trở lại qua nhiều ngày thơ, vừa thể hiện vị trí của thơ ca trong đời sống, vừa thể hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút, như câu thơ Xuân Diệu ngày nào: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao”.
Những ai theo dõi ngày thơ qua nhiều năm, hẳn vẫn nhớ những câu thơ thường được ngâm lên xúc động, hùng tráng ở phần khai mạc: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm?/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”, hay những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Tổ quốc cũng là chủ đề lớn nhất trong nền thơ ca văn học Việt Nam. Đặc biệt, mỗi khi đất nước bị lâm nguy thì chủ đề ấy lại trở thành trung tâm, chảy cuồn cuộn vượt mọi thác ghềnh, kết nối ý chí và tình cảm của số đông, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dọc chiều dài lịch sử, những nhà thơ nổi danh đều là những nhân sĩ trí thức một đời đau đáu với vận mệnh của dân tộc của nhân dân. “Văn dĩ tải đạo”, “Thi dĩ ngôn chí”, “Lập thân tối hạ thị văn chương” là đây. “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Một đời chỉ cúi đầu bái hoa mai) cũng là tiêu chí đánh giá nhân cách của bậc văn sĩ xưa.
Ngày nay, trong bối cảnh hòa bình phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa, quan niệm về thơ ca, về nghệ thuật được mở rộng, người làm thơ được thoải mái sáng tạo, thể hiện cái tôi cá nhân. Mọi đề tài, chủ đề đều bình đẳng, từ chuyện thời sự đang nóng hổi đến chuyện trong căn bếp, thậm chí trong phòng ngủ. Không có đề tài lớn hay đề tài nhỏ, chỉ có thơ hay và thơ chưa hay.
Thoải mái như vậy cũng là một động lực cho thơ. Và quả thực, nếu nhìn vào số lượng thơ xuất bản hàng năm, số lượng các tác giả được kết nạp vào các hội chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, số lượng người tham gia các câu lạc bộ thơ… sẽ thấy thơ thực sự phát triển, với đủ những ồn ào, rộn rã, vui tươi.
Từ lúc nào, thơ cũng bị thương mại hóa. Người ta không ngần ngại cho thơ bay quá đà trong các buổi hội thảo, giới thiệu thơ. Người ta cũng cho thơ bay quá đà khi cần tụng ca một ai đó hoặc một nơi nào đó. Thơ để kết thân. Thơ để ngoại giao. Thơ để kiếm tiền. Thơ cũng để loại trừ nhau. Những lùm xùm trong đời sống thơ và cả những lùm xùm tranh luận của các nhà thơ năm vừa qua là một ví dụ.
Thơ hay Thi, cũng chỉ có ba chữ cái ghép lại vô cùng gọn ghẽ, sự gọn ghẽ mang nội hàm tinh tế, chắt lọc. Thơ không có chỗ cho sự rườm rà, loạn ngôn, loạn chữ. Thơ là đi tìm chiều sâu trong bóng chữ.
Chiều sâu nhất, phải chăng chính là Sống?