Đi tìm giải pháp tối ưu cho kiểm định khí thải xe máy

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, xe máy phải kiểm định khí thải. Theo đó từ 1/1/2025, môtô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải được sẽ do các đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Sau đó, giấy chứng nhận sẽ được cấp cho chủ xe máy khi hoàn tất thủ tục. Việc kiểm định khí thải xe máy được cho không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, mà còn nâng cao nhận thức của người dân, thế nhưng, theo chuyên gia, cần phải có cơ chế, cách thức hiệu quả…

Đã đến lúc phải kiểm soát khí thải xe máy

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương có lượng mô tô, xe máy lớn nhất với lần lượt là 9 triệu và 7,7 triệu chiếc. Đặc biệt, lượng mô tô, xe máy cũ, trải qua thời gian sử dụng hàng chục năm chiếm một lượng không nhỏ với khoảng hơn 6 triệu chiếc ở TP.HCM và gần 3 triệu chiếc ở Hà Nội. Đây chính là nguồn phát thải vô cùng lớn ra môi trường.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới, mô tô, xe máy chỉ tiêu thụ 56% tổng lượng xăng nhưng lại dẫn đầu về nguồn thải với 94% lượng hydro cacbon (HC), 87% lượng cacbon oxit (CO), 57% lượng nitrogen oxit (NOx)… Tất cả những loại khí thải này đang là thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, việc xử lý cũng như hạn chế tình trạng trên không dễ.

 Xe máy xả khói trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

Xe máy xả khói trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

Theo các chuyên gia về môi trường, với tốc độ phát triển nhanh chóng về lượng của mô tô, xe máy trong thời gian qua, việc kiểm định phát thải khí thải đối với các loại phương tiện này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do mô tô, xe máy đang là phương tiện đi lại của đại bộ phận người dân nên việc kiểm định đối với loại phương tiện này cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng khí thải CO2 (cacbon dioxit) của Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nếu không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng CO2 có thể tăng gấp đôi lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất lớn. Trong đó có tỷ lệ lớn đến từ giao thông vận tải.

Thực tế, không ít lần cơ quan Nhà nước đưa ra chủ trương, quy định mới liên quan đến mô tô, xe máy đều gặp vướng mắc. Nhiều dự thảo, đề án được nâng lên rồi lại đặt xuống do vấp phải những yếu tố “nhạy cảm”, phức tạp. Lý do chính là xe máy hiện vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong đô thị.

Đối tượng chịu tác động mạnh nhất của quy định này sẽ là hàng triệu xe cũ đang lưu hành trên dưới 15 năm, thậm chí trên 20 năm. Sau khi kiểm định, nếu không đủ tiêu chuẩn khí thải theo quy định, số phận của những chiếc xe này sẽ xử lý ra sao? Cơ quan Nhà nước có tịch thu phương tiện hay không? Nếu chiếc xe đó là phương tiện kiếm sống duy nhất của người dân, làm thế nào để đảm bảo sinh kế cho họ? Đó là những băn khoăn được nhiều người đặt ra.

Bên cạnh đó, nếu tổ chức kiểm tra định kỳ khí thải thì phải có trạm đăng kiểm mô tô, xe gắn máy, phải có máy móc, thiết bị và con người để phục vụ hoạt động đăng kiểm, tương tự như cách làm với ô tô.

 Theo đề xuất tại dự thảo luật do Bộ Công an xây dựng, xe máy sẽ phải kiểm định về khí thải. Ảnh: Phúc Bình

Theo đề xuất tại dự thảo luật do Bộ Công an xây dựng, xe máy sẽ phải kiểm định về khí thải. Ảnh: Phúc Bình

Kiểm định khí thải xe máy: Cần có cơ chế, cách thức hiệu quả

Theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải. Cụ thể, Điều 42 Luật này quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ: Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Như vậy, kể từ khi luật này có hiệu lực (ngày 01/01/2025), xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Nhìn nhận về chính sách đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.

Thực tế, thống kê từ Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho thấy, giai đoạn 2005 - 2022, tăng trưởng xe máy tại nước ta đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.

Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội chiếm 84%, tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 91% và tại Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông. Giai đoạn 2025 - 2030 xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến và đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.

Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.

 Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy miễn phí cho người dân tại TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy miễn phí cho người dân tại TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mục tiêu chính sách được cho là phù hợp nhằm hiện thực hóa Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ, trong đó có giải pháp triển khai kiểm soát phát thải, khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy. Thế nhưng, từ góc độ người dân, xe mô tô, xe gắn máy hiện là phương tiện đi lại chính, là phương tiện mưu sinh của nhiều người lao động, nhất là các lao động nghèo, vì vậy, để có triển khai chính sách một cách hiệu quả, không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân, chuyên gia cho rằng, lộ trình áp dụng và quy chuẩn cần đảm bảo sự phù hợp thực tế.

Góp ý về lộ trình áp dụng kiểm định khí thải xe máy, chuyên gia giao thông - TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, chúng ta cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, nên chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng.

“Chiếc xe đã mua mấy chục năm, nhưng không được sử dụng thường xuyên, đi ít, khí thải không vượt mức thì không cần phải kiểm tra, thu hồi. Nếu lấy thời hạn để đo đạc thì mất thời gian, chi phí” - TS. Thủy bày tỏ.

Còn theo TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đối với kiểm định khí thải xe máy, người sử dụng xe máy đa phần là người dân lao động, thu nhập thấp. Do vậy, cần có cơ chế để hỗ trợ, ưu đãi cho việc thực hiện và mức giá quy định có thể vừa phải để mọi người dân đều có thể chấp nhận được.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho rằng, trong lúc chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng, cần phải khảo sát thực tiễn để đưa ra quy định mức độ chất lượng khí thải với xe mô tô, xe gắn máy. Đồng thời có lộ trình rõ ràng, thống nhất để người dân nắm rõ quy định, nâng cao hiểu biết về việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ nhằm bảo đảm tiêu chuẩn khí thải và nâng cao chất lượng an toàn phương tiện. Các đơn vị đăng kiểm cũng cần thời gian để kịp chuẩn bị hạ tầng, nhân lực đáp ứng nhu cầu kiểm định.

Liên quan đến vấn đề này, được biết trước đó, trong năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc phối hợp xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và lộ trình áp dụng.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành Quy chuẩn Việt Nam về khí thải và xây dựng, trình Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng Quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, bao gồm cả xe mô tô, xe gắn máy.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/di-tim-giai-phap-toi-uu-cho-kiem-dinh-khi-thai-xe-may-post303024.html