Dịch vụ logistics bền vững ngày càng được ưa chuộng
Nghiên cứu mới đây của Forto và FourKites chỉ ra tính bền vững vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với doanh nghiệp khi lựa chọn dịch vụ logistics, bất chấp thị trường này đang gặp những biến động khó lường.
Vừa qua, công ty dịch vụ vận tải kỹ thuật số Forto cho biết trong một báo cáo, khoảng 50% khối lượng hàng hóa đến từ 65% khách hàng của công ty này đã lựa chọn dịch vụ vận chuyển bền vững trong suốt quý III/2021, tức là các dịch vụ sử dụng năng lượng tái tạo, đi kèm với trồng cây xanh để hạn chế và bù đắp lượng khí thải phát sinh.
“Đây là những số liệu tích cực về tín hiệu thay đổi của thị trường. Tính bền vững đang được khách hàng quan tâm hàng đầu”, ông Michael Wax, Giám đốc điều hành Forto nhận xét.
Một khảo sát được tiến hành bởi nền tảng kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu FourKites cũng đưa ra kết quả tương tự khi 39% khách hàng tham gia cho biết đang có kế hoạch giảm lượng khí thải phát sinh từ hoạt động vận tải của mình. 31% khách hàng còn đặt mục tiêu cho những khâu khác trong chuỗi cung ứng.
Tính bền vững cũng là yếu tố mới được đưa vào xem xét để bình chọn danh sách nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới của FourKites. “Hiệu quả luôn là yếu tố then chốt, tuy nhiên chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Các tập đoàn đều đang hướng tới phát triển xanh với ít chất thải hơn và hãng vận tải cũng có thể làm điều tương tự”, FourKites cho biết.
Theo ông Paul Avampato, đại diện công ty vận tải Henkel, sự xuất hiện của những dịch vụ kết nối tương tự như FourSkites giúp khách hàng biết được nhiều thông tin hơn về dịch vụ logistics, từ đó có nhiều cơ sở hơn để đưa ra lựa chọn.
Hiển nhiên, như nhận xét của FourSkites, sau khi xem xét giá thành, hiệu quả, khách hàng tiếp tục xem xét đến tính bền vững, thể hiện qua mức phát thải và cam kết bù hoàn khí thải.
Đề xuất thu phí khí thải carbon vận tải biển toàn cầu
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong bối cảnh dịch Covid-19, sự phục hồi của ngành logistics, đặc biệt là vận tải biển cũng đang bắt đầu gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu, trung hòa các bon và tìm kiếm nhiên liệu thay thế.
“Bằng cách phơi bày những lỗ hổng về chuỗi cung ứng, Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu phục hồi bền vững và đưa câu chuyện về chuỗi cung ứng bền vững trở lại chủ đề tranh luận”, TS. Shamika N. Sirimanne, Giám đốc công nghệ và logistics của UNCTAD cho biết.
Theo báo cáo của Diễn đàn Giao thông quốc tế, lượng khí thải các bon từ vận chuyển hàng hóa chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải ngành giao thông và 7% khí thải toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 đã giúp giảm 7% lượng khí thải toàn cầu, phần lớn do sự đình trệ về vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đến hiện tại, nhu cầu buôn bán, giao thương đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khiến hoạt động vận tải cũng nhanh chóng phục hồi, thậm chí là rơi vào tình trạng rối loạn vì nhu cầu tăng vọt.
Trong bối cảnh đó, ông Marc Meyer, Giám đốc thương mại của Transmetrics, một nền tảng hỗ trợ logistics bằng công nghệ AI, nhận xét, các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành vận tải cần tìm ra những lựa chọn nhằm bền vững hóa hoạt động, tránh vì phục hồi kinh tế mà gây ra những hệ lụy tiêu cực tới môi trường, có thể sẽ rất nhanh chóng khiến chúng ta phải trả giá.