Giá nguyên vật liệu leo thang, nhà thầu lao đao
Trong bối cảnh giá nhiều loại vật liệu xây dựng chủ lực liên tục tăng cao, các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là nhà thầu đang phải đối mặt với áp lực lớn về chi phí, dòng tiền và nguy cơ đổ vỡ hợp đồng. Để phát triển thị trường vật liệu lành mạnh, minh bạch và ổn định, cần có những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến cơ chế giám sát và đổi mới công nghệ.
Chi phí đội lên khiến nhiều công trình đình trệ
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã tăng từ 10 - 30%, trong đó có những thời điểm thép xây dựng tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Các loại vật liệu khác như xi măng, cát, đá, nhựa đường... cũng đồng loạt tăng giá, kéo theo chi phí thi công bị đội lên đáng kể.
Đại diện Công ty CP Đầu tư phát triển HUGIA cho biết, đang thực hiện dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) theo hình thức hợp đồng trọn gói. Khi ký hợp đồng, giá vật tư ổn định, nhưng nay giá thép, xi măng tăng chóng mặt khiến dự toán bị phá vỡ.
Tình trạng này không chỉ khiến nhiều nhà thầu rơi vào thế bị động, mà còn gây đình trệ cho nhiều dự án vốn đầu tư công. Theo phản ánh của một số ban quản lý dự án, có những gói thầu phải tạm dừng để chờ cập nhật lại giá hoặc tìm kiếm nguồn cung phù hợp hơn.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến đợt tăng giá vật liệu gần đây gồm: giá năng lượng, xăng dầu tăng cao; chi phí vận tải leo thang; nguồn cung nguyên liệu bị hạn chế do siết chặt khai thác (đặc biệt là cát, đá, đất san lấp); đồng thời chịu tác động từ tỷ giá và lạm phát.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chia sẻ, giá vật liệu xây dựng có tính nhạy cảm cao với biến động kinh tế vĩ mô và chính sách tài nguyên. Điểm yếu của thị trường hiện nay là thiếu minh bạch trong công bố giá, cơ chế điều chỉnh hợp đồng còn cứng nhắc, khiến nhà thầu dễ rơi vào thế bị thiệt thòi. Hệ quả là không chỉ nhà thầu nhỏ, mà cả các doanh nghiệp lớn cũng phải co cụm, giãn tiến độ hoặc cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Trong khi đó, người dân và chủ đầu tư chịu thiệt vì công trình chậm tiến độ, đội vốn.

Thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam đang đứng trước cơ hội để tái cấu trúc theo hướng hiện đại hơn
Đẩy mạnh nghiên cứu vật liệu mới
Bên cạnh giải pháp quản lý và điều tiết thị trường, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần chú trọng phát triển vật liệu xây dựng mới, vật liệu thay thế và tái chế để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu truyền thống vốn ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.
PGS.TS Nguyễn Bá Hoạt (Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng) cho biết, hiện đơn vị đang tập trung nghiên cứu xi măng ít clinker để giảm chi phí và phát thải CO₂, phát triển gạch không nung từ tro xỉ, bê tông nhẹ, bê tông geopolymer... Các sản phẩm này vừa tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vừa có giá thành cạnh tranh khi sản xuất quy mô lớn.
Ngoài ra, nhiều nhóm nghiên cứu trong nước cũng đang phát triển công nghệ nghiền đá để sản xuất cát nhân tạo, giúp thay thế cát sông đang khan hiếm và bị siết chặt khai thác vì yêu cầu bảo vệ môi trường. Một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã bắt đầu ứng dụng cát nghiền trong xây dựng hạ tầng.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, việc khuyến khích sử dụng vật liệu mới không chỉ là giải pháp tình thế để giảm giá thành, mà còn là hướng đi tất yếu cho phát triển bền vững. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển (R&D), ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất và ứng dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần cho phép điều chỉnh giá hợp đồng khi giá vật liệu biến động mạnh, ông Dũng cho biết thêm.
Ngoài ra, cần xây dựng cổng thông tin quốc gia về giá vật liệu xây dựng, được cập nhật thường xuyên theo khu vực, nhằm tạo cơ sở dữ liệu tham chiếu đáng tin cậy cho nhà thầu, chủ đầu tư và cơ quan quản lý.
Ở góc độ quản lý thị trường, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần kiểm soát chặt hành vi đầu cơ, thao túng giá, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển vật liệu thay thế, vật liệu tái chế để giảm áp lực nguồn cung.
Từ một khủng hoảng về giá, thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam đang đứng trước cơ hội để tái cấu trúc theo hướng hiện đại hơn. Đó là một hệ sinh thái nơi thông tin minh bạch, doanh nghiệp chủ động, nhà nước điều tiết hiệu quả và người dân được thụ hưởng công trình chất lượng với chi phí hợp lý.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/gia-nguyen-vat-lieu-leo-thang-nha-thau-lao-dao-167163.html