Điểm khác biệt dễ bị nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban

Sởi có nhiều đặc điểm giống với sốt phát ban. Tuy nhiên, nếu nhầm lẫn, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe trẻ.

Thời gian gần đây, Bộ Y tế ghi nhận sự trở lại của bệnh sởi trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm ở trẻ em, rất dễ lây lan nếu không được phát hiện sớm.

Sởi cũng rất dễ nhầm lẫn với sốt phát ban thông thường, dẫn đến chủ quan phát hiện, chăm sóc trẻ mắc bệnh. Dù đều nổi ban và có đặc điểm bệnh giống nhau, sốt phát ban và sởi vẫn có một số điểm khác nhau nhất định.

Tác nhân gây bệnh

Cả sởi và sốt phát ban đều gây ra bởi virus. Tác nhân gây sốt phát ban hầu hết là virus thông thường (70-80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính. Tác nhân gây sởi lại là virus thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae, gây ra tình trạng nhiễm virus cấp tính.

Dấu hiệu mắc bệnh

Theo bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ở giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn khởi phát, sốt phát ban và sởi đều có những đặc điểm tương tự nhau.

Thông thường, giai đoạn này kéo dài khoảng một tuần. Trẻ lúc này có triệu chứng của trình trạng nhiễm siêu vi như sốt, mệt mỏi, lừ đừ, nhức mỏi cơ bắp, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy.

Đến giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có xuất hiện ban. Đây là sự khác biệt rõ rệt nhất ở những bệnh nhân sốt phát ban và sởi.

Đối với những trẻ sốt phát ban thông thường, ban xuất hiện sau khi giảm sốt. Đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ. Sau khi bay, vết ban thường không để lại dấu tích trên da trẻ.

 Vết ban sởi sẩn gồ ở lưng bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.

Vết ban sởi sẩn gồ ở lưng bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đối với những trẻ mắc sởi, ban thường xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da.

Đặc điểm ban sởi là có dạng sẩn, gồ lên mặt da. Khi bay, vết ban sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

Trẻ mắc bệnh sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho hay dấu hiệu mắt đỏ.

Biến chứng nguy hiểm

Sốt phát ban do nhóm siêu vi thông thường gây ra, hầu hết đều là bệnh lành tính. Trẻ sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý về chế độ dinh dưỡng và cách giữ gìn vệ sinh thân thể sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày mà không gây ra bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào.

Tuy nhiên, ở các trẻ mắc sởi, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhất là ở những bé có sức đề kháng quá kém như trẻ có bệnh nền, suy dinh dưỡng nặng, trẻ nhũ nhi (trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi), trẻ đang sử dụng thuốc kháng viêm dạng corticosteroids liên tục và kéo dài.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/diem-khac-biet-de-bi-nham-lan-giua-soi-va-sot-phat-ban-post1482044.html