Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/10

Tỷ giá trung tâm tăng 12 đồng, chỉ số VN-Index giảm 9,88 điểm hay IMF dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,1% trong năm 2024... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 22/10.

Điểm lại thông tin kinh tế

Điểm lại thông tin kinh tế

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ phiên 22/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.240 VND/USD, tăng tiếp 12 đồng so với phiên đầu tuần.

Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.402 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.406 VND/USD, tăng mạnh 96 đồng so với phiên 21/10.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 80 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.460 VND/USD và 25.560 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 22/10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng từ 0,07 - 0,13 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 4,0%; 1 tuần 4,08%; 2 tuần 4,15 và 1 tháng 4,23%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở kỳ hạn qua đêm và giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 4,84%; 2 tuần 4,92%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp đi ngang ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên với: 3 năm 1,88%; 5 năm 1,90%; 7 năm 2,18%; 10 năm 2,69%; 15 năm 2,89%.

Nghiệp vụ thị trường mở phiên 22/10, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Có 3.000 tỷ đồng trúng thầu. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở 2 kỳ hạn: có 3.600 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giảm xuống mức 3,70%; có 8.850 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 4,0%.

Như vậy, NHNN hút ròng 9.450 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở trong phiên hôm qua. Hiện có 3.000 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 46.400 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.

Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, sau khi tăng phiên sáng, các chỉ số đảo chiều rơi mạnh trong phiên chiều. Chốt phiên, VN-Index giảm 9,88 điểm (-0,77%) xuống 1.269,89 điểm; HNX-Index mất 1,92 điểm (-0,85%) còn 225,50 điểm; UPCoM-Index lùi 0,41 điểm (-0,44%) về mức 91,73 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tích cực với giá trị giao dịch đạt gần 20.550 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp gần 160 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 10/2024 phát hành hôm qua, IMF dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,1% trong năm 2024, nâng lên từ dự báo tăng 5,8% trong báo cáo hồi tháng 4. Tuy nhiên, dự báo GDP năm 2025 của Việt Nam bị hạ từ mức tăng 6,5% trong báo cáo trước đó xuống mức tăng 6,1% trong báo cáo lần này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm 2024 và 2025 được IMF dự báo lần lượt ở mức 4,1% và 3,5% so với cùng kỳ, đều cao hơn dự báo ở mức 3,7% và 3,4% trong báo cáo tháng 4.

Tin quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới năm 2025. Trong báo cáo công bố tối hôm qua 22/10, IMF dự báo GDP toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2%, giảm tốc nhẹ từ 3,3% của năm 2023 và không thay đổi so với dự báo hồi tháng 7.

Trong số các nền kinh tế lớn, IMF nâng triển vọng của Mỹ và Anh, đồng thời hạ triển vọng của khu vực Eurozone, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,8%; Eurozone tăng 0,8%; Nhật Bản tăng 0,3%; Anh tăng 1,1%, Trung Quốc tăng 4,8%.

Bước sang năm 2025, IMF dự báo kinh tế thế giới tiếp tục ảm đảm với sự giảm tốc tại Mỹ và Trung Quốc, phục hồi nhẹ đến từ Eurozone, Anh và Nhật Bản. Mức tăng GDP chung vẫn ở 3,2%; trong đó Mỹ tăng trưởng 2,2% (+0,3 điểm phần trăm so dự báo trước), Eurozone tăng 1,2% (-0,3 điểm phần trăm); Nhật Bản tăng 1,1% (+0,1 điểm phần trăm); Anh tăng 1,5% (không đổi); Trung Quốc tăng 4,5% (không đổi, chưa tính đến tác động của những chính sách kích thích kinh tế gần đây).

Ngoài ra, đối với ASEAN-5 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, IMF dự báo nhóm này cùng tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 2025 (lần lượt +0,1 và -0,1 điểm phần trăm).

IMF cảnh báo xung đột địa chính trị và tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ tại một số quốc gia dù lạm phát hạ nhiệt sẽ có ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và gây áp lực lên thị trường lao động. Chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu được dự báo tăng 5,8% trong năm nay, sau đó tiếp tục giảm tốc xuống còn 4,3% trong năm 2025.

Theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Richmond, bang Virginia, chỉ số hoạt động sản xuất của khu vực này ở mức -14 điểm trong tháng 10, tăng lên từ mức -21 điểm của tháng trước đồng thời cũng không thấp như mức -19 điểm theo dự báo. Mặc dù vậy, đây vẫn là tháng thứ 12 liên tiếp chỉ báo này cho thấy sự thu hẹp.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-2210-157007-157007.html