Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 30/6 - 4/7
Tỷ giá trung tâm tăng 68 đồng, chỉ số VN-Index tăng 15,53 điểm so với phiên cuối tuần trước đó hay tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong 14 năm, lạm phát trong tầm kiểm soát... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 30/6 - 4/7.

Điểm lại thông tin kinh tế
Tổng quan
Tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong 14 năm, lạm phát trong tầm kiểm soát. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm.
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 5/7, tổng sản phẩm trong nước GDP quý 2/2025 ước tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, GDP tăng 7,52%, mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong suốt giai đoạn 14 năm qua (2011-2025), tiệm cận mức mục tiêu của Chính phủ. Trong đó, tăng trưởng của nền kinh tế đến từ sự đóng góp đồng đều của cả ba khu vực.
Khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao với mức tăng 8,14% trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong giai đoạn 2011-2025 và đóng góp tới 52,21% vào mức tăng chung. Các hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch phục hồi mạnh mẽ; bán buôn và bán lẻ tăng 7,03%; vận tải, kho bãi tăng 9,82%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng 10,46%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng vững chắc với mức tăng 8,33%, đóng góp 42,20% vào tăng trưởng chung.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cốt lõi với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành xây dựng ghi nhận mức tăng kỷ lục 9,62%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2025, cho thấy sự sôi động của hoạt động đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. Điểm trừ duy nhất là ngành khai khoáng giảm 4,25%, làm giảm tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ ổn định cho nền kinh tế với mức tăng 3,84%, đóng góp 5,59% vào mức tăng chung.
Về chỉ số giá tiêu dùng, CPI tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước, chủ yếu do giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. CPI tháng 6/2025 tăng 2,02% so với tháng 12/2024; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý 2/2025 tăng 3,31% so với quý 2/2024. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.
Theo Cục Thống kê, CPI 6 tháng tăng do áp lực từ chi phí đầu vào, bao gồm giá thực phẩm, xăng dầu, điện, vật liệu xây dựng và dịch vụ y tế. Lạm phát cơ bản vẫn khá ổn định.
Các chỉ số kinh tế khác cũng tăng tích cực, cụ thể:
Thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua; vốn FDI thực hiện gần 12 tỷ USD, tăng 8,1%.
Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/6/2025 là 268.133,9 tỷ đồng, đạt 29,6% kế hoạch, đạt 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 26,4% kế hoạch và đạt 28,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Trong tháng 6 có 24.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124.300 hộ, tăng 118,4%. Tính chung 6 tháng có 152.700 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (127.200 DN).
Khách quốc tế phục hồi mạnh; tháng 6 đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 17,1%; 6 tháng đạt trên 10,6 triệu lượt, tăng 20,7%.
Cục Thống kê cũng cảnh báo một số điểm đáng lưu ý, tồn kho ngành chế biến - chế tạo tăng, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn còn cao (trên 127.000 doanh nghiệp); P thángI ở mức dưới 50 điểm 3 tháng liên tiếp phản ánh sức cầu và đơn hàng yếu; một số ngành công nghiệp như thiết bị điện, khai khoáng, đồ uống tăng trưởng chậm hoặc giảm; FDI vẫn tập trung vào sản xuất thâm dụng lao động, hạn chế giá trị gia tăng; áp lực từ bên ngoài lớn, đặc biệt rủi ro về thuế quan với Mỹ, nhu cầu tiêu dùng thế giới yếu đi....
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo. Do đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tăng tốc cho cả năm 2025: (i) Tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; (ii) tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 30/6 - 4/7
Thị trường ngoại tệ tuần từ 30/6 - 4/7, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở tất cả các phiên. Chốt ngày 4/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 25.116 VND/USD, tăng mạnh 68 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
NHNN niêm yết giá mua USD ở mức 23.911 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; trong khi giá bán USD được niêm yết mức 26.321 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 30/6 - 4/7 biến động theo xu hướng tăng. Kết thúc phiên 4/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 26.177, tăng mạnh 137 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tuần qua tăng - giảm đan xen. Chốt phiên 4/7, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 26.420 VND/USD và 26.520 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 30/6 - 4/7, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống giảm trở lại. Chốt ngày 4/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 4,18% (-0,65 điểm phần trăm); 1 tuần 4,33% (-0,72 điểm phần trăm); 2 tuần 4,40% (-0,58 điểm phần trăm); 1 tháng 4,50% (-0,30 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 4/7, lãi suất USD liên ngân hàng giao dịch tại: qua đêm 4,30% (không thay đổi); 1 tuần 4,37% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 4,41% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,44% (+0,01 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 104.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4,0%. Có 62.424,19 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 58.132,86 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày, đầu thầu lãi suất. Có 17.400 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 3,50%, có 22.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 9.391,33 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua qua kênh thị trường mở. Có 94.609,61 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 17.400 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 2/7, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 2.395 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 24%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.100 tỷ đồng/6.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 295 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 15 năm gọi thầu lần lượt 1.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 10 năm là 3,21% (+0,07 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 30 năm là 3,42% (+0,02 điểm phần trăm).
Ngày 9/7, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.075 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 22.485 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 7 năm. Chốt phiên 04/07, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,18% (+0,01 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 2,23% (+0,02 điểm phần trăm); 3 năm 2,30% (+0,02 điểm phần trăm); 5 năm 2,67% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 3,0% (-0,001 điểm phần trăm); 10 năm 3,22% (+0,01 điểm phần trăm); 15 năm 3,35% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,50% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 30/6 - 4/7, thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm, thanh khoản ở mức khá và khối ngoại mua ròng trở lại. Kết thúc phiên 4/7, VN-Index đứng ở mức 1.386,97 điểm, tăng mạnh 15,53 điểm (+1,13%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 4,70 điểm (+2,06%) đạt 232,51 điểm; UPCoM-Index tăng 0,55 điểm (+0,55%) lên 101,17 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 22.600 tỷ đồng/phiên, tăng từ mức 19.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng mạnh trên 1.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Tuần vừa qua, Việt Nam có thỏa thuận thương mại khung với Mỹ, sau Trung Quốc và Anh. Ngoài ra, Mỹ cũng gửi thư thông báo thuế quan với các nước bắt đầu từ tuần này. Theo một bài viết trên mạng xã hội của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba, sau Trung Quốc và Vương quốc Anh, đạt được khuôn khổ hợp tác thương mại với Mỹ, trong bối cảnh Washington đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên thị trường, nhiều ý kiến trái chiều về thuế quan cũng được nêu ra, song đa số thiên về sự tích cực, cho rằng ít nhất các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có đầy đủ quyền tiếp cận thị trường Mỹ, và vẫn có thể xoay sở theo thời gian để điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, nhiều công ty đa quốc gia như Samsung, Apple, Nike… tại Việt Nam đều tuân thủ các quy tắc quốc tế về xuất xứ, tạo thêm đủ giá trị cho các sản phẩm có linh kiện nước ngoài để được công nhận "Made in Vietnam" một cách phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng trong tuần qua, Tổng thống Trump thông báo sẽ gửi thư công bố thuế quan cho nhiều nước trên thế giới, bắt đầu từ ngày 7/7. Các mức thuế theo thư này có thể dao động rất lớn, từ 10% - 20% cho đến 60% - 70%, song cũng không được cho biết cụ thể về tiêu chí, đối tác.
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng, nổi bật là thị trường lao động vẫn tương đối thắt chặt. Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ công bố quốc gia này tạo ra 147 nghìn việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6, cao hơn mức 144 nghìn của tháng 5 và đồng thời cao hơn mức tăng 111 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng vừa qua cũng giảm nhẹ xuống còn 4,1% từ mức 4,2% của tháng trước đó, trái với dự báo tăng lên 4,3%. Thu nhập bình quân theo giờ tại Mỹ tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 5, gần khớp với mức tăng 0,3% theo dự báo.
Trong tuần kết thúc ngày 28/6, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ ở mức 233 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 237 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn mức 240 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất là 241,5 nghìn, giảm 3,75 nghìn so với 4 tuần liền trước.
Tiếp theo, về kinh tế, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại nước này lần lượt ở mức 52,9% và 50,8% trong tháng 6, cùng cao hơn so với mức 52,0 và 49,9% của tháng 5.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed ngày 8-9/7. Kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm 10/7 theo giờ Việt Nam. Hiện tại, công cụ dự báo của CME cho biết có 95% khả năng Fed sẽ không thay đổi lãi suất chính sách ở 4,25% - 4,50%, và chỉ có 5% khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản. Theo kịch bản chiếm ưu thế, Fed sẽ cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 9 và tháng 12, đưa lãi suất chính sách cuối năm về còn 3,75% - 4,0%.
Khu vực Eurozone tuần qua cũng đón các thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu Eurostat công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại khu vực này lần lượt tăng 2,0% và 2,3% so với cùng kỳ trong tháng 6, không thay đổi nhiều so với mức 1,9% và 2,3% của tháng 5, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia.
Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone trong tháng 6 ở mức 6,3%, trái với dự báo đi ngang ở mức 6,2%.
Tại nước Đức nói riêng, CPI trong tháng 6 đi so với tháng trước và tăng khoảng 2,0% so so với cùng kỳ. Doanh số bán lẻ tại Đức ghi nhận giảm khá mạnh 1,6% so với tháng trước, nối tiếp đà giảm 0,6% của tháng trước đó và trái với kỳ vọng tăng nhẹ 0,5%. Chỉ số giá nhập khẩu tại Đức giảm khoảng 0,7% so với tháng trước trong tháng 5, nối tiếp đà giảm 1,7% ở tháng 4, sâu hơn mức giảm 0,3% theo dự báo.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-306-47-166894.html