Điểm mấu chốt chết người trong một số vụ ngộ độc
Chỉ 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ giảm so với cùng kỳ, nhưng số mắc và đi viện tăng hơn 1.000 người. Vấn đề phải giải quyết từ gốc, là ý thức chấp hành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của một số người bán hàng ăn còn vô cùng thấp kém.
Tại Hội nghị toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm Bộ Y tế tổ chức mới đây, báo cáo cho thấy thời gian gần đây có nhiều vụ ngộ độc ghi nhận số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện, xảy ra ở Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa…
Tại Khánh Hòa, vụ ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh tháng 3/2024, làm 369 người bị nhiễm độc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà. Quán cơm này không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan nguyên liệu thực phẩm…
Vụ ngộ độc tại tiệm bánh mỳ Cô Băng, Đồng Nai xảy ra cuối tháng 4/2024, làm 547 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mỳ này không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP…
Nguyên nhân gây các vụ ngộ độc tập thể gần đây là do việc thực hiện các quy định về ATVSTP của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên; do thời tiết nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển; do lợi nhuận; nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm ATVSTP chưa tốt, ham đồ rẻ; một số DN định mức khẩu phần ăn ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xác nhận có bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, giá suất ăn cho người lao động chỉ 20 - 25 ngàn đồng/suất. Chưa kể sự chênh lệch giữa cơ sở đưa thực phẩm vào và một số đơn vị liên quan; thì giá thành bữa ăn thực tế quá thấp; tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm VSATTP.
Nhìn các nguyên nhân trên, có thể thấy điểm mấu chốt vẫn là ý thức tồi tệ của một số người bán đồ ăn, nhà cung cấp thực phẩm. Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nêu rõ, trong một số vụ ngộ độc vừa qua, đối tượng vi phạm không lưu mẫu và kiểm định; có quy định kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng có tình trạng cơ sở mua nguyên liệu không an toàn, trôi nổi bên ngoài, để cung cấp vào bếp ăn tập thể đó; cơ sở không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, địa phương không kiểm tra, giám sát… Như vụ việc ở Vĩnh Phúc, cơ sở cung cấp thực phẩm được cấp chứng nhận ATVSTP trước khi đưa thực phẩm vào nhà máy; nhưng cơ sở này đã đi thu gom thực phẩm trôi nổi ở chợ bên ngoài, sau đó đóng mác cơ sở mình…
Quy định pháp luật đã đầy đủ, nhưng ý thức của một số người bán và cơ sở chế biến rất tệ. Rất cần có những đợt thanh, kiểm tra gắt gao, xử phạt đình chỉ đúng quy định với những đối tượng sai phạm, chấm dứt những hành vi gieo rắc mầm bệnh ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người dân.