Điểm mới của Luật Đường bộ

Sáng nay 27/6, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đường bộ với tỷ lệ tán thành cao 91,98%. Với 6 chương, 86 điều, Luật Đường bộ được coi là bước tiến trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng ; phát triển vận tải đường bộ; khắc phục những vướng mắc, bất cập tồn tại thời gian qua.

Luật Đường bộ được thông qua với 447/454 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 91,98% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

Điểm mới đáng chú ý nhất của Luật Đường bộ là 3 quy định cụ thể về một số chính sách lớn nhằm huy động nguồn lực xã hội đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, gồm:

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho UBND các tỉnh trong việc đầu tư, quản lý, xây dựng, khai thác, bảo trì đường bộ;

Quy định nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ; Dành 1 chương riêng quy định về đường cao tốc với các quy định đáng chú ý như: thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; quy định về thu phí đối với dự án mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ thành đường cao tốc…Đồng thời, quy định nguyên tắc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ.

Về vận tải đường bộ, Luật quy định loại hình xe hợp đồng và xe du lịch thành loại hình xe hợp đồng do hai loại hình này có đặc điểm, tính chất tương đồng về tổ chức vận tải. Đồng thời, không quy định phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị .

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Nguyễn Duyên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-moi-cua-luatduong-bo-227033.htm