Điểm sáng bứt phá của kinh tế Hà Nội năm 2024

Năm 2023 đánh dấu 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã vượt qua nhiều thách thức, trước dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế Hà Nội và cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài cũng như hạn chế nhưng các ngành kinh tế của TP Hà Nội đạt mức tăng trưởng. Nổi bật trong năm qua, kinh tế-xã hội Thủ đô hoàn thành 18/23 chỉ tiêu...

Hà Nội thông xe cầu Vĩnh Tuy 2. Ảnh: Khánh Huy

Hà Nội thông xe cầu Vĩnh Tuy 2. Ảnh: Khánh Huy

18/23 chỉ tiêu của kinh tế - xã hội Thủ đô được hoàn thành

Theo số liệu mới nhất, GRDP dự kiến cả năm 2023 của Thủ đô Hà Nội ước tăng 6,27%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước, quý sau cao hơn quý trước. Trong số các tiêu chí hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Tăng trưởng GRDP (đạt 8,8%, kế hoạch là 7-7,5%), GRDP/người (đạt 142,3 triệu đồng, kế hoạch là 139-141 triệu đồng), tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (đạt 13,8%, kế hoạch là 10,5%), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (đạt 11,9%, kế hoạch là 5%), giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 38,8% - kế hoạch là 20%).

Sản xuất, kinh doanh của Hà Nội phục hồi mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao 2 con số - ước đạt 10,9%. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng 2 con số. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát (1,51%), thấp hơn khá nhiều mức chung của cả nước (3,2%). 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký vào Hà Nội ước đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 77,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến tháng 12/2023, đã có 29.100 DN đăng ký thành lập, với số vốn đạt 291.300 tỷ đồng, tăng 5% về số DN. Du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi, phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2023, ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 1%, (so với mức tăng 10,3% của năm 2022). Kim ngạch nhập khẩu đạt 44,17 tỷ USD, tăng 8% so với mức tăng 11,6% của năm 2022, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu giảm tại một số thị trường quan trọng.

Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình (382 cấp TP; 623 cấp huyện); các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội phục hồi mạnh. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát. An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.

TP tiếp tục chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính Nhà nước được chỉ đạo quyết liệt. TP đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện tiếp nhận quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

TP đã nỗ lực thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi, tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới như: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của TP...

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2023, Hà Nội luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, chú trọng và nỗ lực đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, trong đó điểm nổi bật là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Thủ đô. “TP đang tích cực triển khai 3 nội dung quan trọng: xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Có thể nói, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch nói trên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn nữa; đồng thời xây dựng thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế về huy động các nguồn lực, động lực để xây dựng, phát triển Thủ đô”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Cùng đó, TP tiếp tục phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; hoàn thiện quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư... đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước sạch.

Công tác quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường. TP đã ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 125 dự án với diện tích 152,3ha; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin đưa vào vận hành năm 2024.

Công tác cải cách hành chính, thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” được đẩy mạnh. Chỉ số cải cách hành chính PAR-Index 2022 tăng 7 bậc, chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng.

Về giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong một số cuộc họp của Chính phủ, đây là năm đầu tiên Hà Nội không bị nhắc nhở về giải ngân đầu tư công. Có được kết quả này là sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TP. Đến cuối năm 2023, công tác giải ngân sẽ đạt khoảng 91,5% kế hoạch TP giao, đạt 100% kế hoạch Trung ương giao.

Những kết quả trên có được là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng DN và Nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nổi bật, TP còn có 4/23 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; vẫn còn nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ.

Các chỉ số PCI giảm 10 bậc, PAPI giảm 3 bậc so với năm trước. Tình trạng thiếu nước sạch tại một số địa phương, khu vực; úng, ngập vẫn xảy ra thường xuyên; tình trạng cháy nổ trên địa bàn TP còn nhiều nguy cơ, đã xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của....

Để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Theo kế hoạch đề ra, TP Hà Nội đặt mục tiêu GRDP tăng 6,5-7%; GRDP/người 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước 0,15%; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân so với năm trước; duy trì tỷ lệ xã/phường/thị trấn 100% đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 94,5%;

45% lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trên lực lược lượng lao động trong độ tuổi lao động; 2,5% lao động tham gia BHXH tự nguyện trên lực lực lược lượng lao động trong độ tuổi lao động; Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lược lượng lao động trong độ tuổi lao động: 40%;

Giảm số hộ nghèo so với đầu năm còn 300-400 hộ; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 74,2%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ 54%; Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 78,5%; Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia được công nhận mới (lần đầu): 114 trường; Số trường công lập đạt chuẩn Quốc gia được công nhận lại: 300 trường.

88% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa"; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 64,5%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 74%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 95%.

Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyên trong ngày: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 95-100%; xử lý ô nhiễm môi trường: 99% tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý, 100%tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, 40% nước thải đô thị được xử lý.

Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng từ 22-25%; 40 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 35 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Người dân làng đào Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, bận rộn dịp gần Tết. Ảnh: Khánh Huy

Người dân làng đào Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, bận rộn dịp gần Tết. Ảnh: Khánh Huy

Giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, từ các chỉ tiêu đặt ra, Hà Nội đã đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024. Trong đó, yếu tố đầu tiên phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn, trong đó thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa của Trung ương; thực hiện rà soát lại thuế khoán, đảm bảo cân đối ngân sách, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu...

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại, trung tâm lưu chuyển hàng hóa, logictics; mở rộng thanh toán trực tuyến, cơ sở hạ tầng, điểm đến và sản phẩm du lịch, sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp đo thị, sinh thái.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS…

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; trong đó tập trung: công nghiệp văn hóa Thủ đô; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng TP thông minh... Xây dựng thực hiện kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 ngày giải phóng Thủ đô.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả của hệ thống BHXH, bảo hiểm y tế...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó tập chung nâng cao tỉ lệ xử lý nước thải đô thị, đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải, các đề án bảo vệ môi trường dòng các sông...

Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi và triển khai thực hiện sau khi được duyệt. Nghiên cứu, xây dựng ban hàng kế hoạch đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2026-2030; đẩy nhanh công tác nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, triển khai bước đầu các tuyến đường sắt đô thị, các công trình giao thông và công trình trọng điểm.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; công tác phối hợp giữa UBND TP Hà Nội với thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội TP, các ban của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên...

“Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại. TP Hà Nội sẽ phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn trong thời gian tới như việc đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, bán dẫn… Phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, hệ thống chợ, thương mại - dịch vụ, thương mại điện tử, hoạt động logistics; kết hợp giữa kinh doanh truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy nhanh công tác quy hoạch. Phát triển hạ tầng số, kết cấu hạ tầng, đô thị. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/diem-sang-but-pha-cua-kinh-te-ha-noi-nam-2024-368580.html