'Điểm tựa' cho các tác phẩm văn học nghệ thuật
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 đã góp phần tôn vinh, bảo vệ giá trị văn hóa của dân tộc.
Suốt 80 năm qua, đề cương là điểm tựa để các tác giả, văn nghệ sĩ bám sát, sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) có giá trị, hấp dẫn công chúng.
* Kim chỉ nam…
Theo PGS-TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học Văn hóa TP.HCM, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời thể hiện tầm nhìn của Đảng, là kim chỉ nam soi đường cho những giá trị trong sáng tác VHNT. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoạt động văn hóa, VHNT vừa mang tính đại chúng nhân văn, lại vừa khoa học, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó chính là sự kế thừa và phát huy cho phù hợp với tình hình mới từ 3 nguyên tắc vận động văn hóa đã được đề cập cách đây 80 năm.
“Trong xây dựng văn hóa, phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp làm trọng tâm. Xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng, xã hội) lành mạnh làm cốt lõi. Văn nghệ sĩ cần có trách nhiệm trong việc truyền tải các giá trị văn hóa dân tộc vào sản phẩm nghệ thuật. Hàm lượng giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt Nam trong tác phẩm sẽ là những loại thuốc đề kháng để chống lại những thứ phản văn hóa, đi ngược với quá trình phát triển VHNT” - PGS-TS Lâm Nhân cho hay.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy NGUYỄN THỊ HỒNG TRANG cho biết: “Cùng với tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với VHNT, thời gian qua, Đồng Nai đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ sáng tạo, quảng bá tác phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của VHNT cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý VHNT”.
Các kỳ đại hội của Đảng luôn đề cập đến vấn đề văn hóa, VHNT, đặt ra mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Thực hiện mục tiêu này, văn hóa nghệ thuật phải phát huy được truyền thống văn hóa dân gian, kết hợp với giao lưu, tiếp thu văn hóa nhân loại. Qua đó, đảm bảo dân chủ, tự do cho mọi sự sáng tạo, đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước công chúng, dân tộc và thời đại, xem giới văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa,
Theo NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, phát huy truyền thống 80 năm thực hiện đề cương, văn nghệ sĩ Đồng Nai không quản khó khăn, đoàn kết đem hết tài năng, sức lực, cống hiến, sáng tạo những tác phẩm xứng đáng. Nhiều vở diễn cải lương: Niềm khát, Cuộc chiến, Sứ mệnh; các chương trình nghệ thuật đương đại, biểu diễn múa rối nước, rối cạn… đã và đang bám sát tính thời đại, mang đến nhiều thông điệp, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng.
“Hơn bao giờ hết, các nghệ sĩ phải khẳng định chính mình, không ngừng sáng tạo để tiếp tục có nhiều chương trình, vở diễn tốt về nội dung, nghệ thuật, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật luôn hướng đến dòng chảy chung của cả nước để cùng vươn ra biển lớn, quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đúng như định hướng của Đảng: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - NSƯT Quế Anh nói.
* Phát huy giá trị trong tình hình mới
ThS Bùi Công Thuấn, Ban Văn học, Hội VHNT Đồng Nai cho biết, Đề cương văn hóa với những tư tưởng và nguyên tắc cơ bản đã trở thành cương lĩnh VHNT của Đảng. Dưới ánh sáng của đề cương, VHNT Đồng Nai trong 45 năm qua đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp. Đội ngũ nhà văn lúc đầu chỉ trên 10 người, nay đã gần 100 người, thuộc đủ mọi thành phần của quảng đại quần chúng. Mặc dù đã kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc song văn học Đồng Nai chưa có những cách tân thực sự có ý nghĩa mở đường cho văn học Việt Nam.
“Trong giai đoạn mới, văn học Đồng Nai cần có những tìm tòi, khám phá, thể nghiệm mới. Thế hệ trẻ đầu thế kỷ XXI gồm hơn 30 tác giả, nhiều người có cốt cách văn chương, có thể đi đường dài sáng tạo. Vấn đề là Hội VHNT cần có kế hoạch phát huy năng lực của đội ngũ tiềm năng này. Tôi tin, VHNT Đồng Nai còn gặt hái những mùa vàng bội thu nữa” - ông Thuấn chia sẻ.
Quan tâm đến lĩnh vực văn học dân gian Đồng Nai, TS La Mai Thi Gia, Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay, mặc dù đã được quan tâm song văn học dân gian Đồng Nai vẫn còn khá khiêm tốn so với bề dày văn hóa 325 năm hình thành và phát triển. Do vậy, Đồng Nai cần tổ chức thêm các đợt sưu tầm có quy mô với lực lượng tham gia điền dã đông đảo, có kiến thức cơ bản để nhận diện các thể loại văn học dân gian. Đây là nhiệm vụ cấp bách, cần thực hiện ngay để giữ lại được nguồn vốn di sản tinh thần quý giá của địa phương đang dần mất đi…
Theo nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, để VHNT tiếp tục góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội thời kỳ hội nhập và phát triển cần có sự tham gia, đồng hành của cả hệ thống chính trị với mục tiêu là đưa sản phẩm có giá trị của văn nghệ sĩ lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cần đầu tư hơn nữa cho VHNT, nhất là hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ phải bám sâu vào đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực. Đẩy mạnh khâu quảng bá tác phẩm để đưa tác phẩm VHNT tiếp cận công chúng nhiều hơn, thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số.
“Văn nghệ sĩ Đồng Nai có truyền thống yêu quê hương, luôn đồng hành với đất nước, có đam mê và sức sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt…, chắc chắn sẽ biết cách làm phù hợp nhất để đưa VHNT tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội thời kỳ hội nhập toàn cầu” - nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa nhấn mạnh.