Điểm tựa sức khỏe của người dân vùng biên A Vao

Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới, những năm qua, các thầy thuốc 'quân hàm xanh' ở Trạm Quân dân y kết hợp thuộc Đồn Biên phòng A Vao luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Qua thời gian, người dân khu vực biên giới thuộc xã A Vao, huyện Đakrông luôn tin tưởng xem đây là địa chỉ, 'điểm tựa' chăm sóc sức khỏe quan trọng mỗi khi trái gió trở trời.

Các thầy thuốc Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao truyền đạt kiến thức về dinh dưỡng để chăm con cho các bà mẹ ở thôn Pa Ling - Ảnh: L.T

Các thầy thuốc Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao truyền đạt kiến thức về dinh dưỡng để chăm con cho các bà mẹ ở thôn Pa Ling - Ảnh: L.T

Thôn Pa Ling, xã A Vao được coi là địa phương khó khăn nhất của huyện Đakrông vì nằm cách xa trung tâm xã khoảng 15 km với đường đi quanh co, nhiều đồi dốc và địa hình phức tạp, nhất là vào mùa mưa. Chính vì thế, người dân nơi đây rất thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế. Trước thực tế này, Trạm Quân dân y kết hợp thuộc Đồn Biên phòng A Vao được xây dựng và đặt ngay tại trung tâm thôn Pa Ling để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi có dịp ghé thăm Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao. Lúc chúng tôi đến, cán bộ quân y của trạm đang thăm khám cho 2 mẹ con chị Hồ Thị Teng và cháu Hồ Thị Biên Thùy. Đây chính là trường hợp mà những “bà đỡ” mang quân hàm xanh của trạm đã thực hiện thành công ca sinh vào tháng 1/2023.

Chị Teng nhớ lại, hôm đó là đêm khuya mồng 5 tết Nguyên đán, tôi trở dạ, đau bụng dữ dội nhưng vì ở xa Trung tâm Y tế huyện với lại điều kiện gia đình quá khó khăn nên vợ chồng tôi đã đến “cầu cứu” các chú quân y biên phòng. Khoảng 1 giờ 30 phút sáng mồng 6 Tết, con gái tôi chào đời, biết ơn các chú biên phòng nên vợ chồng tôi nhờ đặt tên cho con gái và cái tên Hồ Thị Biên Thùy có từ đó.

Tiếp câu chuyện chị Teng, chị Hồ Thị Tôm là người ở bản A Voòng, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) chia sẻ, từ ngày sang thôn Pa Ling lấy chồng, mỗi khi chị và người nhà ốm đau đều đến nhờ các chú quân y khám và cấp thuốc. Không chỉ giúp người Việt Nam, trạm quân y còn sẵn sàng thăm khám, cho thuốc miễn phí đối với những người thân của tôi ở Lào.

Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 4/2014. Trạm được biên chế 2 y sĩ, dược sĩ với phòng khám, điều trị nội, ngoại trú. So với nhiều trạm quân y khác thì quy mô Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng trong công tác khám chữa bệnh cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Pa Ling, xã A Vao và các địa phương lân cận phía nước bạn Lào.

Theo Trạm trưởng Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao, Thiếu tá Trần Minh Vũ, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, thuốc men và hạ tầng y tế, những thầy thuốc “quân hàm xanh” ở đây luôn phải kiên trì bám trụ địa bàn, nỗ lực khắc phục khó khăn để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân vùng biên.

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo tốt công tác quân y cho đơn vị, chúng tôi phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế địa phương tổ chức thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình khó khăn, chính sách; cấp cứu điều trị kịp thời các trường hợp ốm đau đột xuất, tai nạn, sinh nở...

“Tính từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, chúng tôi đã thực hiện thăm khám, điều trị cho 1.037 trường hợp. Trong đó, cấp cứu và cứu sống kịp thời 16 trường hợp gặp sự cố; đỡ đẻ cho 6 bà mẹ; điều trị cho 87 người dân nước bạn Lào.

Ngoài ra, phối hợp với Trạm Y tế xã A Vao thực hiện công tác tiêm chủng định kỳ cho hàng trăm trẻ em trong độ tuổi; tuyên truyền nâng cao nhận thức công tác phòng, chống các dịch bệnh với 2.340 lượt người tham gia; cấp phát thuốc miễn phí, khám thai định kỳ 2 lần/tháng cho 100% bà mẹ mang thai trên địa bàn”, Thiếu tá Trần Minh Vũ thông tin.

Trong khuôn viên “khiêm tốn” của Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao, hàng chục bà mẹ có con nhỏ trong thôn Pa Ling đang say sưa lắng nghe những kiến thức về dinh dưỡng, cách nấu ăn đảm bảo đủ chất cho con trẻ. Những bà mẹ trẻ nói riêng và Nhân dân trong thôn Pa Ling nói chung, bây giờ đều xem những người thầy thuốc “quân hàm xanh” ở Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Vao như là người thân trong gia đình. Bởi vì ai đau ốm cũng đều tìm gặp các chú biên phòng ở trạm để thăm khám, xin thuốc.

Cảm kích trước sự tin cậy của người dân, Thiếu tá Trần Minh Vũ bộc bạch: “Với một người thầy thuốc đặc thù như chúng tôi thì công việc chữa bệnh, cứu người càng đặc biệt hơn. Vì ở những nơi khó khăn, xa xôi như ở thôn Pa Ling này thì quân y chính là điểm tựa duy nhất có thể kịp thời hỗ trợ, xử trí và điều trị cho Nhân dân khi ốm đau. Nhận thức điều này, cán bộ, chiến sĩ đơn vị ngày càng nỗ lực trau dồi y đức và khắc phục những thiếu thốn để làm tốt hơn công việc cứu người nơi miền biên viễn này”.

Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao, Thiếu tá Bùi Huy Tịnh cho biết, đơn vị đóng quân trên địa bàn thôn A Vao, là một địa phương gặp nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế cũng như địa hình, giao thông đi lại, trong khi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn thấp. Đó là những rào cản khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ở đây gặp vô vàn khó khăn.

Tuy vậy, với sự quan tâm của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương và nỗ lực của các thầy thuốc quân y, Trạm Quân dân y kết hợp đã cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ cho công tác đảm bảo sức khỏe người dân nơi đây.

Với tinh thần, trách nhiệm của những người lính Cụ Hồ mang “quân hàm xanh”, quân y biên phòng của trạm đã có nhiều đóng góp tích cực được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, Nhân dân quý mến, tin tưởng. Đây là động lực để những “thầy thuốc” đặc biệt này hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/diem-tua-suc-khoe-cua-nguoi-dan-vung-bien-a-vao/181235.htm