Điện ảnh Việt: Vẫn phải tìm cơ hội trên 'sân nhà'

Mặc dù có nhiều bộ phim Việt tạo được tiếng vang với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay việc đầu tư cho ngành điện ảnh vẫn 'trăm mối tơ vò'. Bên cạnh một số phim lập kỷ lục trăm tỷ thì vẫn còn những bộ phim, cứ ra rạp là... lỗ và những bộ phim Nhà nước đặt hàng sản xuất chiếu một vài buổi rồi lại 'cất kho'.

Đầu tư cho điện ảnh nước nhà còn khiêm tốn. Nguồn: Tư liệu.

Đầu tư cho điện ảnh nước nhà còn khiêm tốn. Nguồn: Tư liệu.

Nhiều phim “đến và đi” rất nhanh

Không thể phủ nhận ngành điện ảnh Việt đang tạo nên những điểm sáng với hàng loạt bộ phim thắng lớn khi ra rạp như: “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Mai” (đạo diễn Trấn Thành) và “Lật mặt 6”, “Lật mặt 7” (đạo diễn Lý Hải). Trong đó, phim “Mai” và “Lật mặt 7” cùng một số phim khác sau thời gian nửa năm ra rạp đã mang về doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó lại là một bức tranh chung khá ảm đạm. Theo thống kê từ moveek.com trong số 25 bộ phim thương mại được công chiếu trong năm 2023, 18 phim ghi nhận kết quả doanh thu lỗ, trong đó có 12 phim có doanh thu khoảng 5 tỷ đồng trở xuống.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, có 11 phim thương mại được công chiếu, trong đó có 8 phim được ghi nhận doanh thu lỗ, 7 trong số 8 phim chỉ thu được từ khoảng 6 tỷ đồng trở xuống.

Phim “Đóa hoa mong manh” của Mai Thu Huyền gây chú ý và bàn luận của nhiều người trong giới vì chỉ thu được 430 triệu đồng, trong khi đạo diễn tuyên bố phim đầu tư hàng chục tỷ đồng. Cùng với “Đóa hoa mong manh”, “Cái giá của hạnh phúc” cũng có kết quả tương tự. Mặc dù đạt doanh thu 26,3 tỷ đồng nhưng con số này thấp hơn nhiều so với kinh phí bỏ ra ban đầu là 37 tỷ đồng. Trường hợp đặc biệt là phim “Đất rừng Phương Nam” có doanh thu 140 tỷ đồng, nhưng nhà sản xuất vẫn báo lỗ do chi phí đầu tư sản xuất quá lớn.

Theo nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đa số các bộ phim “đến và đi” rất nhanh tại các cụm rạp là do chất lượng nội dung yếu, không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả. Hiện nay, đối tượng khán giả chính của các rạp chủ yếu là những người trẻ, có thẩm mỹ nên xem phim khó tính hơn nhiều so với trước đây. Chưa kể khán giả cũng có nhiều lựa chọn khác để giải trí như các nền tảng xem phim trực tuyến, các nền tảng phát video thời lượng ngắn, trò chơi điện tử… dẫn đến việc lựa chọn ra rạp xem phim không còn được ưu tiên. Nếu những bộ phim không đạt chất lượng, hấp dẫn thì khó hút được họ đến rạp.

Phim sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Phim sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Đường ra rạp còn gian nan

Bên cạnh đó, con đường để các sản phẩm điện ảnh ra rạp cũng rất gian nan. Hiện chất lượng hình ảnh và âm thanh của các rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế, thuộc sở hữu tư nhân, hoặc các pháp nhân có vốn nước ngoài. Nhưng theo cơ chế thị trường, muốn mang phim đến chiếu, ngoài các khoản theo quy định đều phải trả tiền thuê rạp, tiền điện, nước và thù lao nhân viên phục vụ. Ngoài ra phải thống nhất được “tỷ lệ chia phần trăm” giữa chủ rạp với nhà sản xuất phim...

Còn về phim do Nhà nước đặt hàng, theo cơ chế trong luật sử dụng đầu tư công hiện nay, các phim này cũng rất khó ra rạp. Bên cạnh đó, dòng phim này chỉ được cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành, trong khi ra rạp cần thêm quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành...

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, phim Việt chưa nhận được sự sẵn sàng hỗ trợ bởi chính các hệ thống rạp chiếu đang hoạt động trên sân nhà. Trong điều kiện thị trường khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các rạp chiếu phim đang phải tìm kiếm doanh thu bằng mọi cách. Và một trong số đó là ưu tiên dồn suất chiếu dày đặc cho những bộ phim có thể hút khán giả nhiều nhất.

“Có nhà sản xuất phim than thở là bị các rạp chèn ép suất chiếu đã xảy ra không ít lần. Ngay cả dư luận khán giả cũng có nhiều ý kiến cho rằng một số bộ phim đã lấy đi suất chiếu của các bộ phim khác” - ông Tuấn cho biết. Dẫn chứng cụ thể nhất là phim “Sáng đèn”, với số suất chiếu quá ít ỏi nên mặc dù chất lượng phim tốt với số tiền đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng, dàn diễn viên là những gương mặt nổi tiếng... nhưng doanh thu của phim tính tới tháng 3, sau khi rời rạp lần 2 chỉ đạt khoảng 3 tỷ đồng, lỗ nặng.

Ông Tuấn chia sẻ, hiện trên cả nước có khoảng hơn 200 cụm rạp chiếu phim đang hoạt động kinh doanh. Nếu một bộ phim Việt Nam chỉ được phân bổ 500 - 600 suất chiếu/ngày thì nghĩa là chỉ được 2-3 suất ở mỗi cụm rạp. Số suất chiếu ít ỏi này cũng rất có thể bị đẩy vào các khung giờ xấu, ít người xem. “Để tăng thêm cơ hội thu hồi vốn cho các nhà sản xuất phim Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có thể cân nhắc ban hành một quy định về số lượng suất chiếu tối thiểu cho phim Việt Nam tại các rạp” - ông Tuấn kiến nghị.

Loay hoay câu chuyện đầu tư

Theo thống kê hàng năm, Nhà nước vẫn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng cho ngành điện ảnh để sản xuất các bộ phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình... do Nhà nước đặt hàng. Thế nhưng thực tế đây là mức đầu tư khiêm tốn cho lĩnh vực sản xuất của toàn ngành điện ảnh. Trong khi đó, tổng dự toán trung bình để sản xuất một bộ phim truyện điện ảnh chiếu rạp, hiện vào khoảng 20 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư này thì 2 năm chỉ đủ tiền làm 3 phim truyện do Nhà nước đặt hàng sau khi xét duyệt kịch bản.

Không chỉ khó ở khâu sản xuất, mà việc quảng bá cho sản phẩm điện ảnh Việt Nam cũng còn nhiều khúc mắc. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, Nhà nước mới chỉ đầu tư kinh phí cho hoạt động sản xuất phim mà chưa đầu tư chi phí cho quảng bá phim khi phát hành. Ngoài chi phí tối đa 100 triệu đồng cho cuộc họp báo duy nhất của mỗi bộ phim được sản xuất, thì không có bất cứ khoản chi nào khác cho khâu quảng bá tác phẩm, từ: thiết kế, in ấn poster, programme, làm TVC…

“Đây là trở ngại lớn nhất mà nhiều bộ phim do Nhà nước đầu tư không được nhiều người xem biết đến. Chính sự đầu tư cắt khúc, thiếu đồng bộ này mà các hãng sản xuất vẫn coi khi làm xong phim, hoàn thành việc trình duyệt, nghiệm thu, hoàn thành quyết toán chi phí là xong trách nhiệm” - ông Tú cho biết.

Thực tế cho thấy, có nhiều vấn đề cần giải quyết để tìm hướng phát triển cho nền điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh việc đầu tư, cần xây dựng hệ sinh thái để kích thích sự phát triển điện ảnh trong nước, từ khâu tìm kiếm ý tưởng, sản xuất đến phát hành, tài trợ cho nhiều dự án phim nhiều triển vọng trở thành những bộ phim thành công của điện ảnh chính là việc tạo dựng một hệ sinh thái điện ảnh làm bệ đỡ cho nhiều bộ phim vươn cao, vươn xa... Và với phim Nhà nước đặt hàng, cũng cần tính đến là cơ chế liên danh sản xuất và phát hành trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết, một bất cập cần nhắc đến là quy định cứng nhắc về đầu tư công, đơn vị được Nhà nước đặt hàng sản xuất không cho phép kết hợp vận động thêm nguồn vốn xã hội hóa đã tạo nên những trở ngại rất lớn. Thực tế, nếu được phép kết hợp thêm vốn theo hình thức xã hội hóa (như đã từng được thí điểm thực hiện vào năm 2015 với phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”) sẽ trực tiếp gia tăng thêm kinh phí cho hoạt động sản xuất ngay từ khâu đầu vào.

Cùng với nguồn lực con người, khi vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất tốt hơn với cách quản lý khoa học sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để cho việc xây dựng những bộ phim xứng tầm. Hiện nay, các phim tư nhân có khoản đầu tư khoảng 40 đến 50 tỷ đồng/1 bộ phim truyện, trong khi phim Nhà nước đầu tư chỉ bằng nửa số này. Đây cũng là đối sánh đáng suy nghĩ về kinh phí dàn dựng. Nếu việc mở rộng kết hợp nhiều nguồn đầu tư công và tư thì sẽ có nhiều cái lợi.

Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1 phần, phần còn lại do 3 hãng phim tư nhân: Galaxy M&E Films, Saigon Concert và Phương Nam Film cùng hợp tác huy động vốn để sản xuất. Vì vậy, ngoài việc sản xuất phim, công tác tuyên truyền, quảng bá của các hãng phim tư nhân này rất bài bản nên kết quả đạt được cũng rất ấn tượng.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dien-anh-viet-van-phai-tim-co-hoi-tren-san-nha-10285571.html