Điện Biên bừng sáng nơi cực Tây Tổ quốc

Với những giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ được ví như một bảo tàng cách mạng của cả nước, là địa chỉ tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1 không chỉ là biểu tượng của chiến thắng mà còn là điểm đến của đông đảo du khách khi đến với quê hương Điện Biên anh hùng. Ảnh: M.Trà

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1 không chỉ là biểu tượng của chiến thắng mà còn là điểm đến của đông đảo du khách khi đến với quê hương Điện Biên anh hùng. Ảnh: M.Trà

Chiến trường Điện Biên Phủ- Chứng tích lịch sử hào hùng

Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Điện Biên lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn để phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc. Sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt nhất của Điện Biên chính là du lịch lịch sử-tâm linh. Đây là lợi thế cốt lõi để tỉnh Điện Biên phát huy giá trị lịch sử, thu hút du khách.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước. Tỉnh Điện Biên xác định đây là nguồn lực quan trọng, sản phẩm chủ lực nổi bật cho phát triển tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng về lịch sử, văn hóa của vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.

Du khách tham quan di tích đồi A1. Ảnh: Trần Huấn

Du khách tham quan di tích đồi A1. Ảnh: Trần Huấn

Hiện, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần là di tích có giá trị, với vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nơi đây có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đồng thời là một trong những tài nguyên đặc sắc, quý giá không chỉ của tỉnh Điện Biên mà còn của cả nước, cần được quan tâm, giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị để phát triển du lịch.

Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đầu tư, trùng tu và bảo tồn các di tích lịch sử với sự hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức và cá nhân, nhân dân cả nước nhằm phát triển thành điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan của du khách.

Khách du lịch hào hứng khám phá hầm De Castries. Ảnh: Trần Huấn

Khách du lịch hào hứng khám phá hầm De Castries. Ảnh: Trần Huấn

Đến nay, toàn bộ 46 điểm di tích đã xác định được khu vực bảo vệ I; 30/46 điểm di tích có khu vực bảo vệ II; 28/46 điểm di tích được cắm mốc trên thực địa; 23/46 điểm di tích có đầy đủ hồ sơ khoa học; 10/46 điểm di tích đã thực hiện bảo tồn, tôn tạo, xây dựng công trình văn hóa tâm linh; 6/46 điểm di tích được đưa vào thu phí thăm quan; 1/46 điểm di tích có nguồn thu từ công đức (Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc di tích đồi F).

Các điểm di tích tiêu biểu như đồi A1, Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi D1 - Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F… là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là một điểm nhấn trong hành trình đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng. Ảnh: M.Trà

Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là một điểm nhấn trong hành trình đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng. Ảnh: M.Trà

Bên cạnh đó, tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đang lưu giữ trên 4.000 hiện vật là các phương tiện kỹ thuật, vũ khí chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam và phía Pháp. Nổi bật là bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, được giới hội họa đánh giá là một trong 10 bức tranh lớn nhất thế giới sáng tác về đề tài chiến tranh, tái hiện toàn bộ chiến dịch 56 ngày đêm “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những giá trị lịch sử ấy đã trở thành tiềm năng to lớn để ngành du lịch Điện Biên quy hoạch, khai thác, tạo các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử thu hút du khách trong và ngoài nước trải nghiệm và tìm hiểu một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cùng với đó, tỉnh Điện Biên hiện có 22 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, 2 di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và di sản "Nghệ thuật xòe Thái" được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các di sản được ghi danh là cơ sở quan trọng để Điện Biên đẩy mạnh xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa, khuyến khích sáng tạo trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch, góp phần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Điện Biên.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ lưu giữ trên 4.000 hiện vật tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ lưu giữ trên 4.000 hiện vật tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Để thu hút và giữ chân du khách đến với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tiến hành khoanh vùng, cắm mốc, tập trung trùng tu, tôn tạo, phục hồi và đưa vào sử dụng, phát huy các giá trị của các điểm di tích cứ điểm đồi A1, khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, tượng đài tại công viên chiến thắng Mường Phăng; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đầu tư bổ sung một số hạng mục công trình tại di tích Đồi E2…Đồng thời, nâng cao, hoàn thiện các kỹ năng cho đội ngũ những người làm du lịch, nhất là đội ngũ thuyết minh viên, đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá và gắn du lịch lịch sử với các lễ hội và nhiều hoạt động khác…

Di tích đồi A1- nơi thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: M.Trà

Di tích đồi A1- nơi thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: M.Trà

Điện Biên bừng sáng nơi cực Tây Tổ quốc

Các di tích thành phần của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ sau khi được bảo tồn, tôn tạo, đưa vào khai thác đã phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn, là tài nguyên du lịch chủ đạo, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Điện Biên, góp phần quan trọng thu hút, níu giữ chân du khách khi tới tham quan trải nghiệm khám phá Điện Biên.

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên đã tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch quan trọng tại các địa phương và trung tâm du lịch của cả nước; tổ chức định kỳ Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên; lễ hội Hoa Anh Đào-Điện Biên Phủ; ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh vùng Tây Bắc, mở rộng triển khai hiệu quả các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; khảo sát sản phẩm du lịch "Tủa Chùa - Vẻ đẹp nguyên sơ và huyền bí”; tổ chức Festival Tinh hoa Tây Bắc - Điện Biên năm 2025...

Cùng với việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Điện Biên cũng chú trọng công tác tuyên truyền, xuất bản, phát hành các tài liệu, ấn phẩm cẩm nang, thông tin du lịch như tờ gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch; sản xuất phim video, clip quảng bá về di tích. Thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện, lễ hội nhằm giới thiệu, tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ, di tích Chiến trường Điện Biên Phủ và quảng bá về giá trị di sản văn hóa của tỉnh Điện Biên tới đông đảo nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế…

Khu di tích Mường Phăng, trái tim trong chiến dịch Điện Biên Phủ 71 năm về trước, luôn thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: Trần Huấn

Khu di tích Mường Phăng, trái tim trong chiến dịch Điện Biên Phủ 71 năm về trước, luôn thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: Trần Huấn

Xác định du lịch lịch sử là khởi điểm và cũng là cầu nối để Điện Biên phát triển các loại hình du lịch khác, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, vui chơi giải trí. Nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không Điện Biên được đưa vào khai thác, mở ra sự kết nối quan trọng giữa Điện Biên với các tỉnh, thành lớn trong cả nước; dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang giai đoạn 1 được khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng đã góp phần tạo đà đưa du lịch Điện Biên cất cánh.

Năm 2024 cũng là năm thứ 2 Điện Biên cán mốc đón trên 1 triệu lượt du khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 11.500 lượt, tăng 1,53 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 1,88 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Điện Biên đón 824,9 ngàn lượt khách du lịch, đạt 56,9% so với kế hoạch, trong đó khách quốc tế đạt gần 7,5 ngàn lượt, đạt 2,5% so với kế hoạch. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.492,1 tỷ đồng, đạt 62,2% so với kế hoạch.

Điện Biên hiện có 22 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.Trong đó, 2 di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và di sản "Nghệ thuật xòe Thái" được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. . Ảnh minh họa: M.Trà

Điện Biên hiện có 22 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.Trong đó, 2 di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và di sản "Nghệ thuật xòe Thái" được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. . Ảnh minh họa: M.Trà

Năm 2025 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là năm thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Các hoạt động du lịch trên địa bàn Điện Biên đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, cho thấy tiềm năng phát triển du lịch của Điện Biên là rất lớn và có sức hút đối với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để tỉnh Điện Biên tạo đột phá trong năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm phấn đấu xây dựng Điện Biên thành trung tâm du lịch của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

71 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ một mảnh đất bị tàn phá nặng nề của chiến tranh, Ðiện Biên ngày nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới, vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc, vừa mạnh mẽ bừng sáng nơi cực Tây Tổ quốc.

NAM HƯNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/dien-bien-bung-sang-noi-cuc-tay-to-quoc-151752.html