Điện Biên: khai thác thế mạnh của địa phương phát triển nông nghiệp
Nậm Pồ được đánh giá là một trong những huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp của tỉnh Điện Biên với địa hình đồi núi, nhiều thung lũng, sông, suối, nguồn nước dồi dào… Toàn huyện có hơn 49.900ha đất trống, trong đó diện tích vùng nguyên liệu dự kiến là hơn 26.900ha.
Với tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều hoạt động khai thác thế mạnh của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng hàng hóa.
Đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng dứa Queen hữu cơ tại xã Nậm Chua, trồng chanh leo ở xã Si Pa Phìn, mô hình bí xanh tại xã Chà Nưa và trồng cây quế…

Người dân thu hoạch dứa tại bản Nậm Chua 4, xã Nậm Chua.
Cùng với đó, huyện tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển mở rộng quy mô sản phẩm OCOP trên địa bàn gồm: mật ong xã Chà Nưa, cam Nậm Tin. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về du lịch tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa; rà soát thêm các sản phẩm mới, tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…
Đơn cử tại xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), nơi có diện tích tự nhiên gần 11.500ha phần lớn là đồi núi thấp. Diện tích đất rộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài những chương trình, dự án phát triển nông nghiệp được triển khai, cây lương thực được bà con tại Phìn Hồ trồng chủ yếu là lúa, ngô, sắn… Các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày thường có diện tích không lớn, phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, một số ít mở rộng, bán kiếm thêm thu nhập. Với phương châm "không để đất nghỉ", tận dụng ưu thế thổ nhưỡng cũng như đồng hành cùng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế, cán bộ xã Phìn Hồ đã trồng thử nghiệm một số cây trồng ngắn ngày.
Từ các mô hình thử nghiệm, xã đã chọn lọc loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng để tuyên truyền và nhân rộng diện tích trên toàn xã. Khác với năm trước trồng thử nghiệm lạc, bí đỏ, thời điểm hiện tại sau những trận mưa đầu mùa, cán bộ xã Phìn Hồ bắt đầu vỡ đất tập trung trồng thử nghiệm gừng với diện tích 4ha thuộc quỹ đất chung của xã và gia đình.
Tại xã Chà Nưa, việc luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng những năm qua diễn ra mạnh mẽ. Các mô hình đa phần của cán bộ công chức xã tiên phong triển khai, lan tỏa tới người dân.
Chị Lù Thị Út, bản Cấu, xã Chà Nưa cho biết, thấy cán bộ xã chuyển đổi diện tích bí xanh cũ sang trồng khoai sọ, đồng thời được đảm bảo đầu ra nên gia đình cũng mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng. Vừa qua, gia đình đặt mua hơn 1 tấn khoai sọ giống, diện tích trồng khoảng gần 1ha, khi trồng được cán bộ xã hướng dẫn quy trình, kỹ thuật làm đất, xuống giống, chăm sóc nên cây lên rất tốt, tỷ lệ cây nảy mầm phát triển khoảng 90%.
Từ năm 2023, xã Chà Nưa đã triển khai trồng bí xanh. Sau hơn 2 tháng trồng, bí xanh bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi héc-ta bí xanh chăm sóc tốt cho thu hoạch từ 60 - 90 tấn, giá bán dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, đem lại thu nhập không nhỏ cho bà con. Đến năm 2025, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa đã nghiên cứu, tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng bí xanh, diện tích bí xanh đã cho thu hoạch hai năm sẽ chuyển đổi sang trồng khoai sọ mán đầu đỏ luân canh.
Từ thực tế tại Nậm Pồ cho thấy vai trò nêu gương, tiên phong đi đầu cùng sự đồng hành sát sườn giữa cán bộ và người dân đã đem lại kết quả tích cực. Bên cạnh đó, giải pháp được huyện Nậm Pồ ưu tiên thực hiện chính là phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân để làm bàn đạp thúc đẩy các tiêu chí khác. Qua đó, dựa vào tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Nậm Pồ tích cực tuyên truyền vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Nhờ vào diện tích rộng, nhiều đồng cỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Cũng vì thế nhiều mô hình chăn nuôi trang trại tập trung xuất hiện, dần thay thế cho cách chăn nuôi truyền thống của người dân, hạn chế rất nhiều sự bùng phát của dịch bệnh, ảnh hưởng đến phát triển của đàn gia súc. Với việc thay đổi cách nghĩ cách làm, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, đời sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn về kỹ năng trồng trọt do cán bộ chuyên môn hướng dẫn đã giúp người dân mạnh dạn sử dụng những loại cây trồng có chất lượng tốt vào trong sản xuất, thay thế cho cây trồng kém hiệu quả. Minh chứng rõ nét nhất là mô hình trồng cây ăn quả, dù mới phát triển mạnh những năm gần đây, nhưng cây ăn quả đang dần khẳng định vị thế trở thành cây trồng mũi nhọn, hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao và là sản vật hấp dẫn du khách khi đến với mảnh đất biên cương này.
Năm 2025, huyện Nậm Pồ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai và nhân rộng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, các mô hình, hợp tác xã sản xuất hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Đặc biệt, huyện triển khai, sử dụng hiệu quả, đúng quy định nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung một số loại cây như: quế, sa nhân, gừng, khoai tây... triển khai phát động hiệu quả phong trào “Trồng mới 10 triệu cây quế”, phấn đấu hình thành vùng nguyên liệu quế bền vững, có khả năng thu hút các nhà đầu tư và đơn vị thu mua sản phẩm.