Diễn biến khó lường của dịch sốt xuất huyết, đâu là cách phòng tránh hữu hiệu?

Theo chuyên gia, việc diệt loăng quăng, bọ gậy không thể có lực lượng nào có thể làm thay được mà phải dựa vào người dân.

Hiện nay, do thời tiết thất thường nhiều người lo lắng dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng, xung quanh vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương) về đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và chu kỳ dịch sốt xuất huyết hiện nay.

Theo ông Dũng, xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra.

 Càng ngày dịch sốt xuất huyết càng trở nên khó lường (ảnh minh họa- nguồn internet).

Càng ngày dịch sốt xuất huyết càng trở nên khó lường (ảnh minh họa- nguồn internet).

Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường đạt cao điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm với số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao.

Tuy nhiên, ngoài giai đoạn cao điểm, các địa phương vẫn ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết quanh năm.

Năm nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khả năng trên 90% là hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến tháng 3/2024; sau đó giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6/2024.

Điều này gây nên tình trạng nắng nóng và khô hạn gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Qua theo dõi các năm nhận thấy, những năm có hiện tượng ElNino thì đều là những năm có ca mắc sốt xuất huyết cao.

“Bệnh sốt xuất huyết sẽ ngày càng tăng vì đây là “bệnh đô thị”, đô thị càng phát triển thì sốt xuất huyết càng lan rộng.

Bởi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là muỗi Aedes (thường gội là muỗi vằn), là loài “muỗi đô thị”, chủ yếu sống ở các khu dân cư đông đúc;

Nhất là những khu vực đông dân, vệ sinh môi trường chưa tốt như các khu vực có nhiều người dân ngoại tỉnh thuê trọ, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, không chú trọng việc thu gom phế thải” – ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Để phòng chống sốt xuất huyết, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì mấu chốt và quan trọng nhất vẫn dựa vào ý thức người dân. Bởi muỗi vằn truyền bệnh và các ổ loăng quăng, bọ gậy chủ yếu sống trong và xung quanh nhà.

Việc diệt loăng quăng, bọ gậy không thể có lực lượng nào có thể làm thay được mà phải dựa vào người dân.

Nói đơn giản như việc thay bình nước cho lọ hoa mỗi ngày, lật úp các chai lọ chứa nước để muỗi không đẻ trứng, sinh sôi… điều này chỉ người dân mới làm được.

Bên cạnh đó người dân có thể ngăn chặn dịch lây lan bằng việc phòng tránh muỗi đốt như: Ngủ màn, mặc quần áo dài tay, thực hiện các biện pháp xua muỗi…

Bởi vậy, chúng ta vẫn thường nhấn mạnh rằng phòng chống dịch sốt xuất huyết là phải dựa vào dân. Việc phòng chống sốt xuất huyết ngoài biện pháp xử lý loăng quăng, bọ gậy thì sẽ không có biện pháp nào tốt và bền vững hơn.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-bien-kho-luong-cua-dich-sot-xuat-huyet-dau-la-cach-phong-tranh-huu-hieu-post299681.html