Điện Biên: Phát triển công nghiệp chế biến qui mô, hiện đại, đồng bộ là yêu cầu cấp bách
Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định, phát triển ngành công nghiệp tỉnh Điện Biên trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 200 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản với quy mô nhỏ, bước đầu đã hình thành, phát triển một số cơ sở chế biến, bảo quản có hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ tiên tiến từ khâu sản xuất chế biến, bảo quản. Trong đó, có khoảng 60 cơ sở chế biến thóc gạo....với quy mô chế biến vừa, công suất bình quân 1,5 - 2 tấn/giờ; còn lại các cơ sở chế biến thóc, gạo do các hộ dân quản lý có quy mô nhỏ. 05 cơ sở chế biến chè, với trang bị bom sao chè, máy sấy, máy đóng trà túi lọc, máy nghiền, máy vò chè.... với công suất mỗi xưởng đạt 1- 3 tấn búp tươi/ngày; tổng sản lượng khoảng 25 tấn chè khô/năm. Có 01 cơ sở sơ chế biến hạt Mắc ca của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Mắc ca và giống cây Lâm nghiệp Điện Biên với công suất chế biến khoảng 9 tấn/năm. Sản phẩm sản xuất là hạt Mắc ca sử dụng trực tiếp, chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Đối với chế biến cà phê tại Điện Biên, hiện nay việc chế biến chủ yếu vẫn là hình thức chế biến ướt, tạo ra cà phê trấu quy mô hộ gia đình; ngoài ra có 01 xưởng chế biến cà phê trấu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc. Hầu hết sản lượng cà phê quả tươi được chế biến thành cà phê vỏ trấu, được một số doanh nghiệp thu mua đưa về nhà máy chế biến ngoài tỉnh. Sản lượng cà phê trấu còn lại được 05 cơ sở chế biến cà phê bột rang, xay, cà phê hòa tan quy mô nhỏ (sử dụng máy rang; máy xay; máy trộn cà phê; máy đóng gói, máy hút chân không; máy định lượng, máy dập tem mác); tổng sản lượng đạt chế biến đạt 150 tấn cà phê bột/năm.
Tại vùng nguyên liệu dứa Mường Chà, thông qua HTX, chính quyền hỗ trợ bà con trong việc bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Tráng A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cần sớm có chính sách đầu tư khu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến. Điều này sẽ góp phần khắc phục tính chất thời vụ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ dứa trên địa bàn.
Nhìn chung, trình độ và năng lực công nghệ trong chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn yếu. Sản phẩm chủ yếu chế biến thô, sản phẩm có tính tiện dụng cao còn thấp, chủ yếu bán thành phẩm làm nguyên liệu cho khâu chế biến sâu.
Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, trình độ quản lý chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế (tổn thất sau thu hoạch còn lớn, dao động từ 10 - 25%, phương pháp bảo quản còn đơn giản, lạc hậu).....
Nguyên nhân là do hiện nay các vùng sản xuất nguyên liệu còn manh mún, không đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến sâu, quy mô lớn, hiện đại do đó chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư lớn có trang thiết bị và áp dụng quy trình quản lý chất lượng hiện đại vào chế biến nông sản. Bên cạnh đó, nguồn lực, nhất là nguồn vốn của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp còn yếu, việc tiếp cận được nguồn vốn vay còn khó khăn.
Như vậy, cùng với phát triển và mở rộng diện tích các vùng nguyên liệu, yêu cầu cấp bách của Điện Biên là phát triển công nghiệp chế biến qui mô, hiện đại, đồng bộ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất công nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, hiện nay các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đảm bảo điều kiện chế biến thực phẩm chất lượng cao, quy mô. Chỉ một số ít cơ sở chế biến đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, HACCP, hoặc các cơ sở xay xát gạo đã áp dụng các công nghệ vào nhằm nâng cao chất lượng gạo như sử dụng hệ thống máy lọc sạn, máy tách màu trong xay xát gạo nhưng quy mô nhỏ;...
Nguyên nhân là do các quy mô vùng sản xuất còn manh mún, không đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến sâu, quy mô lớn, hiện đại do đó chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư lớn có trang thiết bị và áp dụng quy trình quản lý chất lượng hiện đại vào chế biến nông sản. Bên cạnh đó, nguồn lực, nhất là nguồn vốn của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp còn yếu, việc tiếp cận được nguồn vốn vay còn khó khăn.
Nhờ có chủ trương đúng hướng, nông nghiệp Điện Biên đã chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng đất hợp lý để phát triển các loại cây trồng có lợi thế; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực có lợi thế. Điện Biên đã dần hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, quy mô trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: Gạo tại huyện Điện Biên; vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên; vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; vùng chè Tủa Chùa; vùng Mắc Ca tại Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên... Tuy vậy các vùng nguyên liệu này vẫn chưa đáp ứng được nguyên liệu đầu vào đối với các dự án chế biến sâu, qui mô lớn.
Do đó, để phát triển công nghiệp chế biến nông sản cần gắn với phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô, tạo vùng nguyên liệu ổn định, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đồng thời tố chức sản xuất theo hình thức chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, định hướng sản xuất; bảo đảm đầu ra cho nông sản; tạo ra sản phẩm có chất lượng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, cung ứng cho thị trường trong nước và tiếp cận dần với chuỗi cung ứng xuất khẩu.
Một trong những nút thắt ảnh hưởng đến việc phát triển vùng nguyên liệu hiện nay là vấn đề thủ tục pháp lý về đất đai. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết các dự án liên quan đến vùng nguyên liệu, đặc biệt là vùng nguyên liệu mắc ca đang gặp khó khăn về hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai vùng dự án.
Hầu hết các nhà đầu tư dự án mắc-ca tại Điện Biên đều thừa nhận đó là vướng mắc chính. Do đó, tiến độ trồng mới cây mắc-ca dù đã có chuyển biến so với năm trước, nhưng vẫn không bảo đảm tiến độ cam kết của nhà đầu tư và tiến độ chung đã được tỉnh đặt ra, các hợp phần liên kết hầu như chưa triển khai, thực hiện chưa có kết quả. Để thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp cần rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ sản xuất, đất đai, khoa học công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông.