Điện Biên Phủ - 'Vành hoa đỏ', 'Thiên sử vàng' chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm
Đã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng của bản hùng ca Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' không chỉ tại Việt Nam mà còn vang vọng mãi đến muôn đời sau, khắp cả năm châu, bốn biển.
Chiến thắng Điện Biên Phủ nuôi dưỡng lòng tự hào, là động lực to lớn tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Thiên sử vàng chói lọi
Sau chiến thắng Thu Đông năm 1947, quân và dân ta liên tục mở một loạt chiến dịch tấn công quân đội Pháp như các chiến dịch: Biên giới Thu Đông (1950), Sông Lô, Châu Mộng Trạm Thản (1952), Tu Vũ Hòa Bình (1953) với các thắng lợi to lớn, giành thế chủ động trên các chiến trường. Cục diện cuộc chiến trở nên ngày càng tồi tệ đối với quân đội viễn chinh Pháp, đặt nước Pháp trước nguy cơ bại trận. Nhằm xoay chuyển tình thế, nhà cầm quyền Pháp cử tướng Nava, nguyên Tham mưu trưởng Lục quân khối Bắc Đại Tây Dương sang Việt Nam giữ chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương và phê chuẩn kế hoạch của viên tướng này giải quyết vấn đề Đông Dương chỉ trong 18 tháng.
Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp quyết định cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Tuy đây là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của kế hoạch Nava, nhưng phía Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng và số lượng lớn vũ khí, trang bị xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Địch cho tập trung ở đây tổng số quân hơn 16.000 tên gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo lớn, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay, tổ chức thành 8 cụm với 46 cứ điểm.
Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm cùng với gần 100 lần/chiếc máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 – 150 binh lính, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến.
Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Sau khi nghiên cứu tình hình cụ thể, sáng 26/1/1954, trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, với quyết định táo bạo và sáng suốt đã góp phần quan trọng đến sự thành bại của chiến dịch. Lúc đầu ta chủ trương đánh cả Him Lam và đồi Độc Lập trong 1 đêm, qua phân tích cân nhắc nhất là về khả năng pháo, đạn chi viện cho bộ binh tiến công, ta quyết định đánh Him Lam trước, đánh đồi Độc Lập vào đêm hôm sau. Để bảo đảm chắc thắng, chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu là kết quả phân tích đánh giá chính xác những điểm yếu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung và Him Lam nói riêng.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, các lực lượng vũ trang ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries và bộ chỉ huy tập đoàn. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13/3/1953 và kết thúc thắng lợi hoàn toàn vào ngày 7/5/1954. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định buộc Pháp ngồi vào bản đàm phán và ký kết hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm ròng kết thúc thắng lợi, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng mang tầm vóc thời đại, vang dội 5 châu, chấn động địa cầu ấy đã góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. “Vành hoa đỏ” Điện Biên Phủ có sức hút, sự tỏa lan kỳ diệu không chỉ ở Đông Dương hay châu Á mà nó có sức cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, nhất là các nước ở châu Mỹ La – tinh, châu Phi.
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam “một thiên sử vàng”, một mốc son chói lọi nhất trong thế kỷ XX, mà ý nghĩa lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị, cổ vũ quân và dân ta tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Điều này đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi".
Đổi thay nơi chiến trường xưa
Vượt qua những đau thương, mất mát của chiến tranh, thời tiết, bão lũ, sau 70 năm, thành phố Điện Biên Phủ đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành vùng đất tươi đẹp, thanh bình, căng tràn sức sống mới. Từ một thị xã, năm 2023, Điện Biên Phủ được công nhận là đô thị loại III và chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Điện Biên.
Cứ điểm Him Lam ngày nào là “Cánh cửa thép bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp bị quân dân ta tiêu diệt gọn trong trận mở màn chiến dịch, giờ đã “vươn mình đứng dậy”, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Điện Biên Phủ. Phường Him Lam bây giờ, có đến 20 tổ dân phố, bản làng với hơn 2.800 hộ, gồm 10.800 nhân khẩu, kinh tế đa dạng, bao gồm hoạt động du lịch, dịch vụ vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, được coi là một trong những phường cửa ngõ trọng điểm về phát triển kinh tế, đô thị trọng điểm của thành phố.
Tỷ lệ hộ nghèo của phường đến nay chỉ còn 0,15%, đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Đến Điện Biên Phủ hôm nay, du khách không khỏi xúc động và tự hào trước những chứng tích của cuộc chiến vĩ đại “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” của lớp người đi trước. Thành phố đang nỗ lực bằng mọi cách phát huy các giá trị lịch sử để phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nhờ biết nắm bắt và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và nhà nước, diện mạo vùng đất lịch sử Điện Biên đã thay đổi đáng kể. Nhiều nhà cao tầng mọc lên, đường phố được mở rộng, thảm nhựa sạch, đẹp, khang trang, trông rất bắt mắt. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của người dân thành phố đã đạt đến 64 triệu đồng/người/năm. Nhiều dự án lớn được hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp lễ hội tháng 5 này, như: dự án đường 60 m (gọi là đường 7/5); dự án hạ tầng kinh tế khung dọc trục đường 60m; chương trình đô thị miền núi phía Bắc và những điểm tái định cư khang trang, hoàn chỉnh.
Đặc biệt, sân vận động Điện Biên, nơi sẽ diễn ra lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đang được gấp rút hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp một cách đồng bộ. Những con đường độc đạo, đèo dốc một thời “chị gánh anh thồ” đã được đầu tư nâng cấp một cách mạnh mẽ, đồng bộ, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Điện Biên đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch, thu hút đầu tư cho thành phố.
Lịch sử của đất nước từ những chương màu đỏ đang được bổ sung bằng những chương màu xanh hòa bình, màu xanh của hy vọng, màu xanh của tương lai. Song chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi là niềm tự hào to lớn về tầm vóc vĩ đại của đường lối quân sự, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ, tinh thần chiến đấu ngoan cường, gan dạ, thông minh, quả cảm của đội ngũ tướng lĩnh, chỉ huy cùng toàn quân, toàn dân ta.
“Vành hoa đỏ”, “Thiên sử vàng” chói lọi Điện Biên Phủ luôn là niềm tự hào, cổ vũ chúng ta đi lên dành nhiều thắng lợi mới”!