Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 8/5
Trong phiên giao dịch sáng thứ Năm (8/5), chỉ số USD Index ổn định, giá vàng tăng trở lại sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed vào ngày hôm qua, nhóm cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip tăng theo đà phục hồi của các công ty bán dẫn tại Mỹ...

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế
Đồng bạc xanh giữ giá so với euro trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (8/5) sau khi ghi nhận mức tăng lớn nhất trong hai tuần vào phiên trước đó trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra cảnh báo về những rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế Mỹ do tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tại nước này có xu hướng tăng hơn.
Đồng USD cũng được hỗ trợ tăng giá do tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt và các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi các diễn biến trước thềm cuộc họp cấp cao giữa hai quốc gia dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ vào thứ Bảy tới.
Hôm thứ Tư, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, theo đúng như dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ tiếp tục xem xét nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hay sẽ suy yếu trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng và lạm phát có thể tăng cao.
Ông Powell phát biểu: "Không thể có câu trả lời rõ ràng về chính sách tiền tệ phù hợp vào thời điểm này. Chúng ta đang thực sự chưa rõ ràng về những gì chúng ta phải làm”.
Hiện tại, thị trường đang dự đoán sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm, với đợt cắt giảm tiếp theo dự kiến vào tháng 7 hoặc tháng 9.
Vào đầu phiên giao dịch châu Á ngày hôm nay, tỷ giá EUR/USD ít thay đổi, giao dịch quanh mức 1,1313, sau khi tăng 0,56% vào ngày thứ Tư, chấm dứt chuỗi ba ngày giảm giá.
Tỷ giá USD/JPY đi ngang ở mức 143,79. Tỷ giá GBP/USD ổn định quanh mức 1,3298, trước khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối ngày.
Chỉ số USD Index ổn định ở mức 99,842 sau khi tăng 0,26% vào ngày thứ Tư.
Ông Joseph Capurso, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế và bền vững tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), nhận định: "FOMC không muốn đưa ra quyết định trước những thay đổi của nền kinh tế Mỹ, họ muốn chờ đợi dữ liệu kinh tế chính xác để đưa ra định hướng cho chính sách. Từ thời điểm này, chúng tôi dự đoán các phát biểu từ Chủ tịch Powell và các thành viên FOMC khác sẽ tập trung vào việc đảm bảo mục tiêu lạm phát. Các phát biểu này có thể sẽ nghiêng về hướng chính sách "diều hâu" (chính sách ưu tiên chống lạm phát".
Đồng USD được hỗ trợ tăng giá trước tín hiệu về hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ đối thoại để xoa dịu căng thẳng về thuế quan. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Jamieson Greer dự kiến sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào thứ Bảy.
Hôm Thứ Tư, Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã khởi xướng các cuộc đàm phán, và ông không sẵn lòng cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để thúc đẩy đàm phán.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trên thị trường quốc tế (CNH) ít thay đổi, giao dịch ở mức 7,2235 USD/CNH, sau khi giảm 0,26% vào ngày thứ Tư.
Đồng đô la Úc (AUD), thường được coi là thước đo thanh khoản cho đồng nhân dân tệ do mối quan hệ thương mại chặt chẽ của Úc với Trung Quốc, giao dịch ở mức 0,6433 AUD/USD, sau khi giảm hơn 1% vào phiên trước đó.
Thị trường chứng khoán
Chỉ số chứng khoán Nikkei tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng, trong đó nhóm cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip tăng theo đà phục hồi của các công ty bán dẫn tại Mỹ. Cổ phiếu NTT Data được dự báo sẽ tăng tới 17% sau thông tin về một thương vụ thâu tóm lớn.
Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,23% lên 36.863,15 điểm, sau khi chuỗi tăng kéo dài 7 phiên bị chấm dứt vào ngày hôm qua. Ngược lại, chỉ số Topix giảm 0,18% xuống 2.691,36 điểm, nhiều khả năng sẽ kết thúc chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp.
“Các chỉ số chính đã phục hồi nhanh chóng kể từ sau thông báo áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước, tuy nhiên tốc độ phục hồi đang có dấu hiệu chậm lại”, ông Seiichi Suzuki, chuyên gia phân tích thị trường tại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory nhận định và thêm rằng: “Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi Nikkei tiến gần ngưỡng tâm lý 37.000 điểm”.
Đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh về cuối phiên, trong đó cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực bán dẫn đã dẫn đầu mức tăng sau thông tin Chính quyền của Tổng thống Trump có kế hoạch bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu chip AI.
Tại Nhật Bản, cổ phiếu Advantest - hãng sản xuất thiết bị kiểm tra chip - tăng 2,82%, cổ phiếu Tokyo Electron - công ty sản xuất thiết bị chế tạo chip tăng 1,32%.
Cổ phiếu NTT Data không được giao dịch do khối lượng lệnh mua quá lớn, sau khi tờ báo Nikkei đưa tin tập đoàn viễn thông này đang lên kế hoạch chào mua công khai với giá trị lên đến 3 nghìn tỷ yên (tương đương 20,88 tỷ USD) để mua lại toàn bộ cổ phần còn lại của NTT Data. NTT Data - đơn vị cung cấp mạng dữ liệu - được đặt mua ở mức trần trong ngày là 3.492 yên, tăng 17% so với mức đóng cửa hôm trước là 2.991,5 yên.
Ở một diễn biến khác, giá cổ phiếu hãng dược Torii Pharmaceutical tăng vọt 13,62% sau khi công ty cùng ngành Shionogi thông báo sẽ mua lại Torii - hiện là công ty con của Japan Tobacco - với mức giá hơn 150 tỷ yên.
Ngược lại, cổ phiếu hãng vận tải biển Mitsui OSK Lines giảm 3,2%, trở thành mã giảm mạnh nhất trong chỉ số Nikkei. Theo sau là tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank Group, giảm 2,36%.
Thị trường vàng
Giá vàng tăng trở lại, thu hút lực mua mới trong phiên giao dịch thứ Năm tại châu Á sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed vào ngày hôm qua, khiến các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề lạm phát tại Mỹ, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào tài sản trú ẩn an toàn là vàng. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường thận trọng trước bối cảnh bất ổn kinh tế gia tăng liên quan đến chính sách thương mại của Tổng Thống Donald Trump đã hỗ trợ đà tăng của giá vàng.