Diễn đàn nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ sắp mở màn
Sáng 16.7, Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề 'Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực' diễn ra tại Hà Nội.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giao cho Tạp chí Một Thế Giới cùng Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ, diễn ra sáng 16.7 tại Hà Nội.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy sẽ tham gia chủ trì Diễn đàn. Bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cục vụ của Ngân hàng Nhà nước như Vụ Thanh toán, Cục Thông tin và truyền thông và Văn phòng. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Đổi mới Sáng tạo, Vụ Đánh giá và Thẩm định công nghệ, Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn Phòng Bộ...
Hội thảo còn có sự tham dự của Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, lãnh đạo các trường đại học như Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Đại Nam, Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước, Hội Blockchain Việt Nam, Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian.

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành ngân hàng Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi mà đang trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển mình.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng và dùng chung các nền tảng số quốc gia, vùng, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên các lĩnh vực.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang đặt ra những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và nhân lực để thích nghi với thời đại công nghệ cũng như hướng đến hệ sinh thái số thông minh – Tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên mới.
Hệ sinh thái số thông minh trong ngành ngân hàng không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành, mà còn là một mô hình tích hợp toàn diện giữa ngân hàng và các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, dịch vụ công. Mục tiêu cuối cùng là đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống tài chính số hiện đại, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với sự thay đổi mô hình hoạt động, vấn đề nhân lực cho ngành ngân hàng cũng được đặt ra. Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, blockchain và điện toán đám mây đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng. AI và Big Data giúp ngân hàng hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng, đưa ra dự báo chính xác và thiết kế sản phẩm phù hợp từng cá nhân. Blockchain làm thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành. Tự động hóa (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng.
Từ đó, cấu trúc nhân sự trong các ngân hàng đang được tái định hình. Một số vị trí cũ dần biến mất, thay vào đó là nhu cầu cao về chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ tài chính, chuyên viên quản lý rủi ro số, chuyên gia về trải nghiệm người dùng.
Đây chính là lý do mà thời gian qua nhiều ngân hàng như: LPBank, Vietinbank... liên tục cắt giảm nhân sự. Động thái này là cho thấy các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đổi số. Chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực sẽ theo hướng giảm nhân sự ở những lĩnh vực có thể thay thế bằng tự động hóa, gia tăng nhân sự ở các vị trí liên quan công nghệ, ra quyết định và tư vấn.
Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy ở Việt Nam, nguồn nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số còn hạn chế và các chương trình đào tạo đại học chưa thay đổi kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Sự khan hiếm nhân lực ngân hàng có trình độ công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và chuyên gia tài chính có trình độ quốc tế khiến cho tiến trình ứng dụng và giải pháp ở trình độ cao tại các ngân hàng bị chậm lại.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết không chỉ Việt Nam mà ngành ngân hàng trên toàn thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn cả về tổ chức lẫn nhân sự. Nhiều vị trí công việc truyền thống trong ngân hàng sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho máy móc, cơ sở dữ liệu thông minh và AI đảm nhiệm. Những công nghệ này không chỉ thực hiện được các nhiệm vụ vốn do con người đảm nhận, mà còn làm với năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, và tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Từ đó, sẽ xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng trở nên dư thừa – vì công việc đã được công nghệ thay thế. Đây là một thực tế mà ngành ngân hàng buộc phải đối mặt và thích nghi.
“Vậy giải pháp là gì? Theo tôi, có nhiều hướng đi, nhưng một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số – ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu – nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.
Việc đào tạo này cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo như Học viện Ngân hàng, các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới”, ông Tùng cho hay.
Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” diễn ra vào thời điểm này là rất kịp thời và cần thiết, nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả về nhân sự cho ngành ngân hàng.
Diễn đàn sẽ tập trung vào những nội dung như: Đào tạo nội bộ kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ; Xây dựng mô hình đào tạo linh hoạt: bằng cấp thứ hai, chứng chỉ ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, học online, đào tạo theo năng lực cá nhân và vị trí công việc; giữ chân nhân tài công nghệ...
Phần hỏi đáp cũng là dịp để các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ chia sẻ, giải đáp và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình trong đào tạo nhân lực công nghệ sao cho phù hợp với phát triển của ngân hàng trong thời gian tới.