CÂU CHUYỆN MÔI TRƯỜNG
Trong phát triển bền vững, trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, có lẽ nên hái hết quả mọc thấp rồi hãy tính chuyện trèo cao.
Trong phát triển bền vững, trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, có lẽ nên hái hết quả mọc thấp rồi hãy tính chuyện trèo cao.
Có lần ngồi trên bến sông Tiền, nhìn mấy đứa nhỏ trong xóm hái trái me dọc bờ. Có đứa cao lớn hơn, trèo lên cành cao. Có đứa nhỏ hơn, chỉ quanh quẩn dưới gốc me, hái những trái rụng, trái mọc thấp. Vậy mà tụi nhỏ lại chia phần đồng đều với nhau, bởi quả me nào cũng chua chua, ngọt ngọt như nhau, dù mọc cao hay thấp.
Câu chuyện đó khiến nghĩ mãi: trong việc bảo vệ môi trường nông nghiệp, phải chăng cũng nên bắt đầu từ những quả mọc thấp trước. Đó là những việc ai cũng làm được, dễ làm, không cần đợi ai cấp vốn, không cần công nghệ cao siêu? Và rồi, khi làm được điều nhỏ, tự nhiên người ta sẽ muốn làm tiếp điều lớn hơn.
Nhiều nước trên thế giới đã đi qua hành trình đó. Và Việt Nam, nếu muốn phát triển bền vững, muốn giữ gìn đồng ruộng, ao hồ, sông suối cho thế hệ sau, cũng cần học theo cách ấy.
Từ những việc ai cũng làm được: Bài học về
Zero Waste
- Làng không rác
Ở Nhật Bản có làng Kamikatsu. Từ năm 2003, họ bắt đầu phân loại rác thành… 45 nhóm khác nhau. Nghe tưởng chuyện lớn lao, nhưng bắt đầu chỉ bằng việc mỗi nhà để riêng rác hữu cơ, vỏ chai, bao bì, quần áo cũ.
Philippines cũng có làng không rác, trường học không rác. Không phải nhờ nhà máy tái chế hiện đại, mà nhờ cộng đồng đồng lòng: từ trẻ con đến người già đều biết không xả bừa bãi.

Nguồn: ITN
Bài học ấy với Việt Nam cũng vậy. Muốn mỗi xã đạt tiêu chí nông thôn mới về môi trường, trước tiên phải xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế nhựa dùng một lần. Đó là quả mọc tầm thấp, chẳng ai cấm mình hái trước.
Chuyện kiểm soát ô nhiễm: Bắt đầu từ nhìn thấy
,
nghe thấy
Nói về kiểm soát ô nhiễm không khí, nhiều thành phố như London, Tokyo đã có hệ thống đo đếm, cảnh báo theo giờ, theo ngày. Nhưng trước khi có thiết bị hiện đại, người dân ở đó đã có thói quen lắng nghe: hôm nay khói nhiều hơn bình thường, hôm nay mùi lạ trong không khí, và phải phản xạ như thế nào trước những hiện tượng thay đổi đó để tự bảo vệ mình trước.

Người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Nguồn: ITN
Ở Việt Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đang có những trạm cảnh báo chất lượng không khí. Nhưng quan trọng hơn là phải đưa câu chuyện ấy xuống tận xã, phường, thôn xóm. Chính quyền địa phương, các trường học, hội đoàn thể cùng tổ chức các buổi hướng dẫn bà con nhận biết ô nhiễm, phản ánh kịp thời, hạn chế xả thải bừa bãi. Đó cũng là cách biến tiêu chí môi trường trong nông thôn mới thành câu chuyện hằng ngày, chứ không phải chỉ để báo cáo, trên những câu khẩu hiệu đây đó.

Phân loại rác. Nguồn: congthuong.vn
Chuyện đồng ruộng: Giảm phát thải từ cọng rơm, giọt nước
Ở vùng Tứ giác Long Xuyên, từng nghe bà con kể: ngày xưa gặt lúa xong đốt rơm cho nhanh. Giờ thì nhiều nơi đã biết ủ rơm, dùi trở lại đất trở thành phân cho vụ kế tiếp, trồng nấm, tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Trên thế giới, kỹ thuật AWD, mình hay gọi là tưới “ngập khô xen kẽ”, được áp dụng rộng rãi nhằm giảm phát thải khí methane. Tại Việt Nam, nhiều hộ đã thử nghiệm thành công: giảm 30% nước tưới, giảm phân bón, giảm sâu bệnh.
Điều quan trọng là không chờ dự án lớn, mà hướng dẫn từ chính hội quán nông dân, hợp tác xã, tổ chức khuyến nông xã phường. Không cần phải nói chuyện khí nhà kính, carbon dioxide gì cao siêu, mà chỉ cần bà con hiểu: bớt nước, bớt phân, vừa lợi mình vừa lợi môi trường.
Bài học từ ASEAN:
Từ làng chài đến khu bảo tồn
Philippines có Green Fins, tổ chức giám sát du lịch biển theo tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đã tham gia ASEAN-WEN, mạng lưới chống buôn bán động thực vật hoang dã. Những mô hình ấy đều bắt đầu từ cộng đồng.
Thế nên, ở Cù Lao Chàm, ở Phú Quốc, ở rừng U Minh, ở thượng nguồn sông Tiền ở Đồng Tháp, mô hình đồng quản lý, cộng đồng cùng bảo vệ rừng, bảo vệ biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chính là cách hái quả mọc tầm thấp mà vẫn bảo vệ được cả cây cao bóng cả.
Đôi khi đi nước ngoài học tập kinh nghiệm, chúng ta chỉ nghe họ trình bày về những “quả mọc tầm cao” rồi đem về thực hiện, mà không chú ý cách thức họ tư duy về những “quả mọc tầm thấp”. Họ bắt đầu từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ người dân, gia đình, đến cộng đồng.
Giáo dục môi trường:
Dạy từ sớm, dạy bằng chuyện nhỏ
UNESCO khuyến khích các nước đưa giáo dục môi trường vào trường học từ bậc mẫu giáo. Ở Việt Nam, điều này đã có trong chương trình nhưng còn hình thức. Để thật sự hiệu quả, cần dạy bằng hành động. Trồng cây xanh ngay trong sân trường. Tổ chức ngày không rác. Cho học sinh thực hành phân loại, tái chế, ghi chép lại kết quả. Ngay những việc đó cũng có thể trở thành môn học STEM trong nhà trường.

Công trình “Nhà phân loại rác thân thiện” tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) đã góp phần nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường. Nguồn: baotintuc.vn
Nhà trường, đặc biệt là các trường nghề, đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cần đổi mới giáo trình. Không chỉ dạy mô hình kỹ thuật tuần hoàn đa tầng phức tạp, mà còn phải dạy cách ủ phân, cách tận dụng rơm rạ, cách xử lý nước thải chăn nuôi bằng bể lọc đơn giản. Và quan trọng nhất là dùng ngôn ngữ dễ hiểu, không quá hàn lâm. Mô hình VAC - vườn ao chuồng - từ mấy mười năm trước được nhiều đất nước đến học tập, cần được tích hợp lại và nâng lên thành những bài học về nông nghiệp tuần hoàn.
Từ quả mọc thấp đến quả mọc cao:
Viện, trường đồng hành với người dân
Khi bà con đã quen với việc nhỏ, đã tự tay làm được, lúc đó mới nghĩ đến chuyện ứng dụng công nghệ cao hơn. Vai trò của các viện, trường lúc này càng quan trọng: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý sinh học thế hệ mới. Phát triển hệ thống số hóa giám sát phát thải. Ứng dụng blockchain truy xuất nguồn gốc nông sản sạch.
Nhưng dù cao đến đâu cũng cần bắt đầu từ việc dễ hiểu, dễ làm. Cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật phải là người “nói đời thường, chuyển giao công nghệ vừa đủ”. Không chỉ đứng lớp giảng lý thuyết, mà phải xuống đồng ruộng, xuống ao hồ, chỉ tận tay bà con cách làm. Như một khái niệm về rác thật dễ hiểu mà giàu tính hành động, ai cũng có thể làm được: “Rác là tài nguyên bị đặt sai chỗ. Nông nghiệp cũng vậy: mỗi thứ bỏ đi đều có thể trở thành đầu vào cho vòng tuần hoàn mới”.
Chuyện hái me bữa nọ khiến vẫn còn nghĩ mãi. Trong phát triển bền vững, trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, cũng nên hái hết quả mọc thấp rồi hãy tính chuyện trèo cao.
Muốn vậy, mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi trường, mỗi viện, mỗi đoàn thể đều phải tự hỏi lại: mình đã làm hết những việc nhỏ nhất chưa? Hay còn chờ ai đó bắt đầu trước?
Chúng ta cùng nhau làm từ hôm nay. Không phải đợi đến ngày mai!.
Trình bày: Lan Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cau-chuyen-moi-truong-10379729.html