Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội:Khai thác điều kiện tự nhiên gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được trình xin ý kiến tại Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, trong quy trình nghiên cứu, điều chỉnh, cần làm rõ nét hơn nữa định hướng phát triển khu vực nông thôn của Thủ đô, gắn với khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc các vùng văn hóa truyền thống: Sơn Nam Thượng, Xứ Đoài, Xứ Đông, Kinh Bắc, Thăng Long… và từng bước nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn.
Tích hợp đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng
Báo cáo tóm tắt về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết: Đồ án sẽ thống nhất, tích hợp, kết nối đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, các quy hoạch tỉnh, chuyên ngành, ngành, lĩnh vực có liên quan; đồng thời, đồng bộ, tích hợp, thống nhất với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới… Qua đó góp phần đưa Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Việc điều chỉnh Đồ án cũng góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội có tổng thể không gian phát triển năng động, khai thác các giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, tiềm năng về tri thức - công nghệ và lịch sử văn hóa truyền thống; nâng cao hiệu quả trong sử dụng đất đai và có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững.
Đồng chí Dương Đức Tuấn cũng cho biết, Đồ án đã kế thừa mô hình cấu trúc phát triển, các định hướng chiến lược của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, cân đối hài hòa giữa phát triển đô thị và nông thôn… Đồ án sẽ là cơ sở để quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách phát triển Thủ đô Hà Nội và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh sẽ bao gồm: Đô thị trung tâm (gồm Khu vực đô thị phía Nam sông Hồng; Khu vực đô thị Long Biên, Gia Lâm và thành phố phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); thành phố phía Tây (gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai); các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; thị trấn sinh thái và thị trấn; hệ thống đô thị và hệ thống nông thôn.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cũng đã dự kiến không gian phát triển kết nối với các tỉnh lân cận về các phân khu chức năng, giao thương, văn hóa, giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy,…; kết nối với các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang về phía Bắc; kết nối với các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai về phía Tây, Tây Bắc; kết nối với các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn về phía Đông, Đông Bắc; kết nối với các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa về phía Nam, Đông Nam; dự kiến kết nối cả các tuyến đường sắt đô thị theo các điều kiện phát triển và nhu cầu kết nối các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội.
Đặc biệt, Hà Nội có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (cửa ngõ quốc tế), dự kiến có sân bay thứ 2 tại khu vực phía Nam (sân bay quốc nội, có thể nâng cấp thành sân bay quốc tế), đã đề xuất bổ sung chức năng dân dụng cho các sân bay quân sự: Gia Lâm, Hòa Lạc… phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồ án cũng đã định hướng có 5 trục không gian chính của Thủ đô gồm: Trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm; trục Hồ Tây - Ba Vì: Kết hợp đồng bộ không gian Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6; trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; trục Nhật Tân - Nội Bài là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại. Phát triển mới trục không gian phía Nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính: Kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, sân bay thứ 2 vùng Thủ đô và đô thị vệ tinh Phú Xuyên…
Hài hòa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội
Giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết: Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu thông qua các phiên thảo luận tại tổ .
Tổng hợp ý kiến cho thấy, các đại biểu cơ bản đồng tình với Đồ án. 9 nhóm ý kiến tập trung vào việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch thành phố phía Bắc; xác định trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh, trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội; sự cần thiết xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố, trong đó sẽ xác định Chương trình tái thiết đô thị đoạn sông Hồng đi qua địa bàn các quận trung tâm thành phố và các khu vực cần tái thiết tại các quận nội đô…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, đây là những nội dung rất quan trọng được xác định trong Đồ án. Nếu triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, cải tạo môi trường, cảnh quan hai bên sông đạt hiệu quả thì sẽ cơ bản tạo dựng được bộ mặt đô thị toàn thành phố xanh, sạch, đẹp…
Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến liên quan đến việc phát triển sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại phía Nam thành phố; đề nghị tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, nâng cấp loại đô thị; nghiên cứu đề xuất sân bay lưỡng dụng; cải tạo, quy hoạch khu vực nông thôn; phát triển du lịch dọc sông Đà, xã đảo Minh Châu; rà soát các số liệu diện tích quy hoạch đất rừng tại khu vực Sóc Sơn và Ba Vì…
Chỉ đạo một số nội dung liên quan đến đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất.
Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Đồ án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị cần lưu ý một số nội dung. Trước hết, trong quá trình nghiên cứu định hướng điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các cơ quan chuyên ngành của thành phố cần bám sát các nội dung Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 15, Nghị quyết số 06... và quan trọng nhất là bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lập theo Luật Quy hoạch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu làm rõ nét hơn nữa định hướng phát triển khu vực nông thôn của Thủ đô, gắn với khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc các vùng văn hóa truyền thống: Sơn Nam Thượng, Xứ Đoài, Xứ Đông, Kinh Bắc, Thăng Long… Qua đó từng bước nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị nghiên cứu đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong đó, kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển; kết hợp với đầu tư xây dựng sân bay quốc tế thứ 2.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các đơn vị chức năng nghiên cứu đề xuất một số sân bay lưỡng dụng trong thành phố làm tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của thành phố; đồng thời, tạo dư địa phát triển cho khu vực phía Nam. Cùng với đó, cần nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường sắt, đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, cũng như kết nối quốc tế… Qua đó góp phần khẳng định vai trò trung tâm của Thủ đô Hà Nội tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ.