Điều gì đã diễn ra tại cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine ở Istanbul?
Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau ba năm, hai bên đạt được thỏa thuận trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Cuộc đàm phán hòa bình cấp cao do Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì, nằm trong nỗ lực rộng hơn nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine, đã kết thúc tại Istanbul vào thứ Sáu.
Trong bài phát biểu khai mạc trước các phái đoàn, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói: "Chúng ta phải nắm bắt cơ hội này để tiến xa hơn trên con đường hòa bình. Mỗi ngày chậm trễ đồng nghĩa với thêm những sinh mạng bị mất đi".
"Ngày hôm nay là một ngày quan trọng đối với hòa bình thế giới", ông Hakan Fidan chia sẻ trên mạng xã hội X về cuộc đàm phán tại Istanbul. Ông cho biết, các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã dẫn đến thỏa thuận trao đổi 1.000 tù binh từ mỗi bên và chia sẻ các điều khoản ngừng bắn bằng văn bản.
"Các bên cũng đã đồng ý về nguyên tắc sẽ tiếp tục gặp lại nhau", ông Fidan nói thêm, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, phát biểu tại một sự kiện ở Istanbul, ca ngợi vai trò ngoại giao toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng nước này là "người tiên phong của ngoại giao nhân đạo" và đang "dẫn đầu ngoại giao vì hòa bình" trên toàn thế giới.
Các nhân vật chủ chốt tham dự
Phái đoàn Mỹ có Ngoại trưởng Marco Rubio, Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ Tom Barrack và Đặc phái viên về Ukraine - Tướng Keith Kellogg. Phía Ukraine gồm Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Ngoại trưởng Andriy Sybiha. Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ có sự hiện diện của ông Ibrahim Kalin - người đứng đầu Tổ chức Tình báo Quốc gia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định không tham dự cuộc đàm phán tại Istanbul tuần này do người đồng cấp Mỹ không có mặt tại thành phố này - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết khi đang ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, hôm thứ Sáu, ông đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh và Ba Lan.
Ông Zelenskyy cho biết, họ đã thảo luận về định dạng và kỳ vọng của cuộc đàm phán tại Istanbul, với mục tiêu đạt được lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho một giải pháp lâu dài.
Ông nói, "Ukraine sẵn sàng thực hiện các bước nhanh nhất để đạt được hòa bình thực sự", đồng thời nhấn mạnh rằng sự đoàn kết toàn cầu là điều thiết yếu.
Tổng thống Zelenskyy cho rằng nếu Nga từ chối một lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện, cần có thêm các biện pháp trừng phạt quốc tế. "Cần duy trì áp lực với Nga cho đến khi họ sẵn sàng chấm dứt chiến tranh", ông nói và chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì không có mặt ở Istanbul.

Đàm phán hòa bình nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine tại Istanbul đã kết thúc vào thứ Sáu. (Ảnh:AA)
Thỏa thuận trao đổi tù nhân và đàm phán ngừng bắn
Sau cuộc gặp giữa các phái đoàn Nga và Ukraine tại Dolmabahce, Istanbul, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov xác nhận hai bên đã đồng ý thực hiện cuộc trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Ông cho biết, các bên tập trung vào ba nội dung: ngừng bắn, trao đổi tù nhân và khả năng tổ chức cuộc gặp giữa hai Tổng thống.
"Cuộc gặp đã kết thúc. Chúng tôi đã thảo luận về lệnh ngừng bắn và trao đổi tù binh. Hiện tại, chúng tôi thống nhất trao đổi 1.000 tù binh từ mỗi bên. Đây là kết quả của cuộc gặp này", ông Umerov nói, đồng thời cho biết ngày trao đổi đã được ấn định nhưng chưa thể công bố.
Trưởng đoàn đàm phán Nga - ông Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin - cho biết, Moscow hài lòng với kết quả cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine tại Istanbul. "Chúng tôi đã đồng thuận ba điểm. Đầu tiên, trong vài ngày tới sẽ có cuộc trao đổi tù binh quy mô lớn, 1.000 đổi lấy 1.000 người", ông Medinsky nói.
Phía Ukraine đã đề xuất tổ chức đối thoại trực tiếp giữa nguyên thủ hai quốc gia và phía Nga đã "tiếp nhận yêu cầu này", ông nói thêm.
"Điểm thứ ba: chúng tôi đồng ý rằng mỗi bên sẽ trình bày tầm nhìn của mình về một lệnh ngừng bắn trong tương lai và mô tả chi tiết kế hoạch đó", ông cho biết.
Sau khi các đề xuất được trình bày, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, ông Medinsky kết luận.
Tổng thống Trump cho biết hôm thứ Sáu rằng ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin "ngay khi có thể sắp xếp được" để giúp chấm dứt cuộc chiến.
Phản ứng từ châu Âu
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) đã khai mạc hôm thứ Sáu tại Tirana với sự tham dự của 47 lãnh đạo châu Âu. Tại sự kiện, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas cho biết, một gói trừng phạt mới đối với Nga đang được soạn thảo.
Bà von der Leyen nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ mang tính trừng phạt mà còn là một phần trong chiến lược buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán. "Chúng tôi sẵn sàng hành động mạnh tay hơn để buộc ông Putin phải đàm phán. Nhiều người phát biểu đã nói, chiến tranh này phải chấm dứt… Chúng tôi đang làm việc với gói trừng phạt tiếp theo".
Về cuộc đàm phán tại Istanbul, bà Kallas cho rằng việc Tổng thống Nga Putin không tham dự cho thấy ông "không nghiêm túc".
Thủ tướng Đức Friedrich Merz hoan nghênh cuộc gặp tại Istanbul như một "tín hiệu tích cực" và kêu gọi tiếp tục nỗ lực ngoại giao.
"Ai có thể nói rằng trong những ngày qua chúng ta chưa nỗ lực ngoại giao đủ để chấm dứt chiến tranh? Người duy nhất sai lầm hiện tại là ông Putin - ông ấy đã không xuất hiện. Tất cả điều kiện cho một lệnh ngừng bắn đã có", ông Merz phát biểu.
"Việc họ gặp nhau hôm nay, lần đầu tiên sau ba năm rưỡi, là một tín hiệu nhỏ nhưng tích cực đầu tiên. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa trên mặt trận ngoại giao", ông Merz nói thêm.
"Tôi nghĩ ông Putin đã sai lầm khi cử một phái đoàn cấp thấp tới tham dự", Tổng Thư ký NATO Mark Rutte nhận xét.
Liên Hợp Quốc cũng hoan nghênh cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Istanbul nhằm thúc đẩy nỗ lực hòa bình giữa hai nước, người phát ngôn của tổ chức này cho biết hôm thứ Sáu.
"Chúng tôi hoan nghênh cuộc đàm phán hôm nay - cuộc thương lượng trực tiếp đầu tiên trong ba năm - trong đó có thảo luận về lệnh ngừng bắn và việc trao đổi tù binh quy mô lớn", bà Stephanie Tremblay nói tại một cuộc họp báo.
"Chúng tôi hy vọng tiến trình này sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn toàn diện, tức thì và vô điều kiện tại Ukraine - bước đi quan trọng để tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc", bà Tremblay nói thêm và khẳng định Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ "mọi nỗ lực có ý nghĩa" nhằm đạt được điều đó.
Liên Hợp Quốc cũng ghi nhận "vai trò quan trọng" của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, bà Tremblay cho biết.
Lê Anh (Theo AA, France24)