Điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô
Dù được xếp vào nhóm có mức tăng thấp nhất thế giới, song lũy kế từ đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 8,4%. Tỷ giá tăng, trong khi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mừng thì DN nhập khẩu lại 'méo mặt' vì đội chi phí.
Dù diễn biến tăng tỷ giá sẽ có tác động 2 chiều, song trong thời điểm kinh tế phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, bài toán tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là câu hỏi cần lời giải thỏa đáng.
Trong các ngành chịu tác động lớn về tỷ giá, ngành thép là một ví dụ điển hình về những thiệt hại được cân đo đong đếm bằng con số cụ thể. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,46 triệu tấn thép, giảm sâu 34,4% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, giảm mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm 2021.Về nhập khẩu, lũy kế 9 tháng, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,93 triệu tấn với trị giá hơn 9,56 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng lại tăng 9,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, thừa nhận rằng năm 2022 thực sự khó khăn với ngành thép. "Khó khăn có nhiều nguyên nhân, trong đó tỷ giá là một trong những nguyên nhân quan trọng. Với ngành thép Việt Nam, thị trường chính vẫn là trong nước, và xuất khẩu chỉ chiếm một phần. Tuy vậy, nguyên liệu cho sản xuất thép thì phần lớn đều phải nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt hay thép vụn. Những đơn vị có lượng nhập khẩu lớn thì chênh lệnh tỷ giá có thể làm tăng chi phí lên đến 70-80 chục tỷ trong năm 2022, và những đơn vị quy mô vừa và nhỏ, có thể đến vài ba chục tỷ", ông Thảo thông tin.
Cũng theo ông Thảo, ngoài tác động trực tiếp nói trên, tỷ giá tăng còn tác động gián tiếp, đó là để kiềm chế tỷ giá, ngân hàng phải tăng lãi suất, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tỷ giá tăng cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho DN xuất khẩu. Trái ngược với ngành thép, năm nay, ở nhiều thời điểm, giá phân bón tăng mạnh trong vòng 50 năm qua và hoạt động xuất khẩu cũng thuận lợi, đánh dấu một kỷ lục mới. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, xuất khẩu nông nghiệp cầm chắc 50 tỷ USD nghiêng về xuất siêu trong năm nay; đồng thời, lần đầu tiên ngành phân bón có thể đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD với sản lượng 1,7 triệu tấn... Song, ông Ngọc cũng cho biết, tỷ giá tăng không chỉ tác động tích cực mà ở mặt tiêu cực, nó cũng đang góp phần đẩy giá phân bón tăng lên do đây cũng là một ngành sản xuất phụ thuộc vào một số nguyên vật liệu phải nhập khẩu đầu vào. Việc giá thành phân bón tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá thành của sản xuất nông nghiệp tăng theo.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã coi ổn định tỷ giá là một vấn đề trọng điểm để điều hành chính sách tiền tệ. Một trong những chính sách mà cơ quan này đưa ra đó là bán ngoại tệ bình ổn thị trường và tăng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, hành động nào cũng có tính hai mặt. Theo TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nếu tỷ giá biến động quá lớn thì càng gia tăng kỳ vọng về vấn đề liên quan đến mất giá tiền đồng và lạm phát. Và nếu lạm phát xảy ra thì sẽ liên quan đến lãi suất, tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Bởi vậy, điều quan trọng là khi kiểm soát được lạm phát tốt, thì kiểm soát được vấn đề lãi suất. Từ đấy, kiểm soát được các chỉ tiêu khác như đầu tư, tiêu dùng, từ đấy kiểm soát được GDP.
Cho rằng phải "nhịp nhàng và nghệ thuật", TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để tăng thanh khoản cho thị trường, NHNN tính toán bơm tiền ra cho nền kinh tế; Bộ Tài chính ra tay xử lý phần vốn đầu tư công mắc cạn và lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu DN.
Góc nhìn từ DN, ông Phạm Công Thảo cho rằng, DN rất muốn tỷ giá ổn định và giảm lãi suất. Nếu như chúng ta nhanh chóng tiến tới dần giảm lãi suất sẽ rất có lợi cho nền kinh tế, còn phía DN, những giải pháp bất đắc dĩ là doanh nghiệp điều tiết để hạ chi phí, giảm giá thành, tiết kiệm để giải quyết khó khăn hiện nay. Ngoài ra, cần thực hiện một số giải pháp như mua forward ngoại tệ (ký hợp đồng mua ngoại tệ tương lai) hay cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/dieu-hanh-ty-gia-linh-hoat-on-dinh-kinh-te-vi-mo-i675082/