Điều kiện tiên quyết để chăn nuôi thành công

Toàn tỉnh vừa kết thúc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi đợt I/2024. Ngoại trừ vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng đạt tỉ lệ theo yêu cầu, tỉ lệ tiêm các loại vắc xin khác thấp. Việc này không chỉ tăng rủi ro về dịch bệnh trong chăn nuôi mà còn cho thấy ý thức phòng ngừa dịch bệnh của người chăn nuôi còn thấp.

Người chăn nuôi phải chủ động phòng dịch cho vật nuôi để giảm rủi ro. Trong ảnh: Người nuôi bò ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) chăm sóc vật nuôi. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Người chăn nuôi phải chủ động phòng dịch cho vật nuôi để giảm rủi ro. Trong ảnh: Người nuôi bò ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) chăm sóc vật nuôi. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Chưa coi trọng công tác phòng dịch

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, trong đợt I/2024, các địa phương đã tiêm được hơn 87.900 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) cho trâu, bò, đạt tỉ lệ 87% tổng đàn trong diện tiêm và đây cũng là loại vắc xin duy nhất tiêm đạt yêu cầu trong đợt này.

Tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin còn lại đều không đạt quy định. Trong đó, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò chỉ đạt 15% tổng đàn, với khoảng 15.425 con trâu, bò được tiêm; tiêm được khoảng 57.000 liều vắc xin viêm da nổi cục; tiêm khoảng 197.000 liều vắc xin cúm gia cầm; tiêm 19.329 liều vắc xin dại chó.

Được biết, Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn vắc xin LMLM nên công tác tiêm phòng loại vắc xin này khá thuận lợi, trong khi vắc xin cúm gia cầm tiêm chưa tới 5% tổng đàn. Đặc biệt, trong số 197.000 liều vắc xin cúm gia cầm đã được tiêm thì có đến 165.500 liều do Nhà nước hỗ trợ cho người nuôi gia cầm huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa.

Các loại vắc xin khác như viêm da nổi cục hay tụ huyết trùng đều có tỉ lệ tiêm phòng rất thấp. Điều này cho thấy người chăn nuôi còn rất trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, chưa chủ động và còn chủ quan trong công tác phòng dịch.

Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Gia đình tôi nuôi mấy con bò thịt và bò cái sinh sản. Vừa rồi được Nhà nước hỗ trợ vắc xin LMLM, nên tôi đăng ký tiêm loại vắc xin này cho cả đàn. Các loại vắc xin còn lại tôi sợ tiêm dày quá làm bò bị nóng, chậm lớn, nên để giãn ra một thời gian mới tính tới việc tiêm thêm.

Còn theo ông Sáu Đặng, một hộ nuôi vịt đàn ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), năm nay người nuôi vịt gặp nhiều khó khăn do giá trứng hạ thấp. Cộng với việc vịt không thể đưa chạy đồng nên ông không tiêm đồng loạt vắc xin cúm gia cầm cho cả đàn mà chỉ tiêm những đàn dự định bán cho thương lái đưa vào miền Nam ăn đồng hoặc duy trì nuôi sau vụ đồng. Để tiết kiệm chi phí, những đàn vịt đẻ trứng giảm, chuẩn bị thải, ông cũng không tiêm vắc xin nữa.

Cần chủ động và có ý thức hơn

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để đạt được tính bảo hộ đối với dịch bệnh, bắt buộc tỉ lệ tiêm phòng vắc xin đối với các loại dịch bệnh phải đạt từ 80% trở lên. Nếu tỉ lệ tiêm phòng không đạt yêu cầu này thì hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi không đảm bảo, nguy cơ phát sinh dịch sẽ cao, rủi ro trong chăn nuôi cũng tăng theo.

Trong khi đó, chi phí mua vắc xin tiêm phòng không nhiều, mỗi liều vắc xin chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn. Chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người chăn nuôi chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Phụng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho hay: Nhiều năm nay, vào mỗi đợt địa phương tổ chức tiêm phòng tôi đều đăng ký tiêm đầy đủ 3 loại vắc xin LMLM, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục cho đàn bò. Ban đầu tôi cũng khá e ngại vì sợ tiêm nhiều như vậy ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của vật nuôi. Nhưng qua nhiều lần tiêm và theo dõi, tôi thấy bò vẫn ăn uống và phát triển bình thường nên duy trì việc tiêm phòng này liên tục nhiều năm qua.

Cũng theo ông Phụng, lúc trước vì chủ quan, mỗi đợt tiêm phòng ông chỉ tiêm vắc xin LMLM vì đây là loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ và bắt buộc tiêm. Chính vì vậy có một năm, vào mùng 2 tết đàn bò gia đình ông nhiễm bệnh và chết 2 con, thú y kiểm tra thì báo bị tụ huyết trùng. Năm đó gia đình mất gần 100 triệu đồng.

“Từ sau khi thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ đúng lịch theo quy định, đàn bò của gia đình không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm. Tôi thấy tiêm phòng vắc xin giúp việc phòng dịch đạt hiệu quả cao”, ông Phụng nói thêm.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay, hoạt động chăn nuôi trong cả nước đang đối diện với nhiều mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh mới và tình trạng kháng kháng sinh, bệnh lây truyền qua thực phẩm... Do đó, kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, bắt buộc phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để hạn chế rủi ro, đảm bảo cho ngành Chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, ngoài việc tiêm phòng, người chăn nuôi cũng cần quan tâm tới vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi thường xuyên… để giúp hạn chế mầm bệnh lây nhiễm trong không khí, giảm rủi ro.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay, hoạt động chăn nuôi trong cả nước đang đối diện với nhiều mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh mới và tình trạng kháng kháng sinh, bệnh lây truyền qua thực phẩm... Do đó, kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, bắt buộc phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để hạn chế rủi ro, đảm bảo cho ngành Chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/317117/dieu-kien-tien-quyet-de-chan-nuoi-thanh-cong.html