'Đỉnh cao' - 'Vực sâu' của 'quan tham' trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ

Có thể nói tiểu thuyết CÂY THAY LÁ là thành công tiếp theo của Quân Yên, là bút danh của Vũ Xuân Bân viết về đề tài chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực. Trước đó, tác giả Vũ Xuân Bân với bút danh Xuân Vũ đã được bạn đọc biết đến và mến mộ với tiểu thuyết đầu tay TƠ VÒ cũng với chủ đề 'hot' đó, được bạn đọc mến mộ.

Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) vừa được NXB Hội Nhà văn Quyết định số 280 /QĐPH phát hành toàn quốc từ ngày 7-6-2024.

Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) vừa được NXB Hội Nhà văn Quyết định số 280 /QĐPH phát hành toàn quốc từ ngày 7-6-2024.

Khép lại gần 240 trang tiếu thuyết CÂY THAY LÁ toát lên một điều là tác giả khá am tường, cập nhật diễn biến nội tình ở địa phương nọ, mô tả hai yếu nhân khi nhậm chức Bí thư và Chủ tịch tỉnh cách nay hơn 3 năm là những người ở “đỉnh cao” quyền lực tại địa phương, được tặng hoa trên khán đài trung tâm hội nghị, mọi người vỗ tay chúc mừng nhiệt liệt. Họ đều hãnh tiến. Ranh giới giữa “đỉnh cao” quyền lực và “vực sâu” bùn nhơ đối với “quan tham” thời kinh tế thị trường rất mong manh. Bằng hành vi nhận hối lộ bị bại lộ, họ bỗng chốc đang từ “đỉnh cao” quyền lực rơi xuống “vực sâu” nhơ nhớp. Họ chỉ còn là những kẻ bị phỉ nhổ, bị coi khinh. Đôi mắt một thời xán lạn giờ đây chìm trong biển âu lo và hối hận. Áo quần lịch lãm của họ đã bị thời gian và bụi bặm phủ lấp, tạo nên vẻ lôi thôi và nhếch nhác với bộ mặt mộc, không son phấn xuống cấp, tả tơi không còn ra hồn người.

Nhân vật Thùy Lê, Bí thư Tỉnh ủy và Lý Tơ, Chủ tịch tỉnh từng tỏ ra vững vàng như ngọn cờ tiên phong trên trận chiến chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực và lĩnh vực đất đai, giờ đây lại trở thành người vướng vào lao lý, sẽ phải đứng trước sự phán xét của công lý. “Bàn tay họ từng nắm chặt lấy quyền lực giờ đây run rẩy, không còn sức mạnh để che giấu sự đau đớn và sự tự trách “nói không đi đôi với làm” (Tr 17).

Sau khi bị bắt để điều tra về tội “nhận hối lộ”, hai vị đứng đầu tỉnh nhận ra rằng họ đã "lên voi xuống chó" như một sự thật không thể phủ nhận. Quyền lực đã từ tay rơi xuống và họ không còn là những “chúa tể” để người này, người nọ phải cung kính xin ý kiến chỉ đạo. Trước sự thật khắc nghiệt, họ chỉ còn biết cúi đầu nhận lấy hình phạt xứng đáng cho những sai phạm của mình.

Tác giả đã khéo léo lột tả: “Trước khi bị bắt về tội nhận hối lộ, hai vị quan chức đứng đầu tỉnh luôn được xem là người có quyền lực và uy tín trong xã hội. Họ sống trong những căn hộ sang trọng, được bao bọc bởi sự xun xoe của thuộc cấp và sự nịnh nọt của những kẻ cơ hội. Các hành động của họ thường được cấp dưới răm rắp tuân thủ và họ có thể tha hồ quát lác, ra lệnh mà không phải chịu trách nhiệm hay giải trình, tức là có quyền sinh, quyền sát như “lãnh chúa” một vùng (Tr 18).

Tác giả mô tả hấp dẫn bạn đọc về tâm trạng cũng như bối cảnh mà hai vị đứng đầu tỉnh trước ngày, trong ngày và sau ngày cùng bị cơ quan chức năng bắt tạm giam để điều tra về tội “nhận hối lộ” và dư luận của dân chúng về sự kiện gây “chấn động” xã hội. “Một số nơi dân quê của hai vị lãnh đạo này đã đốt pháo ăn mừng. Có người dân gần nhà Thùy Lê bảo: Con mụ này đáng ra phải bắt sớm hơn, gần 10 ô đất ở phố Xiền Quan cạnh nhà mụ ta, mụ đã tung tiền mua hết nhưng được ngụy trang đứng tên người khác. Đã giàu bất thường lại còn tham đến thế thì chết cụ nó đi là đáng đời” (Tr 12,13).

Sự “dối trên lừa dưới” để duy trì quyền lực là thuộc tính của quan tham được phơi bày trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ. Ngay chương mở đầu, tác giả đã mô tả “Chưa năm nào lãnh đạo tỉnh lại tổ chức liên hoan tất niên thịnh soạn như năm vừa rồi, bởi tỉnh được Thanh tra Chính phủ công bố xếp đứng đầu cả nước về công tác phòng, chống tham nhũng (77,95/100 điểm). Các thành viên trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng ai nấy đều hỉ hả nâng cốc chức mừng Bí thư Tỉnh ủy Thùy Lê và Chủ tịch tỉnh Lý Tơ đã lãnh đạo tỉnh mình đạt được thành quả xuất sắc đó. Đây không chỉ là một thành tựu, mà còn là một minh chứng khẳng định sự cống hiến không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân trong toàn tỉnh. Thật đúng là một giấc mơ giữa ban ngày. Không có lãnh đạo tài giỏi, không thể có được kỳ tích đó!” (tr 5)

Nhưng “niềm vui chẳng tày gang, chỉ thời gian ngắn sau đó, cặp đôi lãnh đạo đứng đầu tỉnh gồm bí thư, chủ tịch tỉnh cùng nhiều thuộc cấp đã bị khởi tố bắt tạm giam cùng về tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án Tập đoàn Tiền Nổ. “Việc này đặt ra vấn đề từ một tỉnh được đánh giá là điểm sáng, đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn, đâu phải đứng đầu mà là đứng lộn ngược vị trí - đứng đầu từ dưới lên? Dù xếp hạng tính theo thời điểm, có nhiều nội dung đánh giá khác nhau nhưng rõ ràng đây là bài học đau xót và các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm, xem xét nghiêm túc lại cách đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng của tỉnh này hiện nay” (tr 6,7).

Tính hấp dẫn của tiểu thuyết CÂY THAY LÁ được tác giả chấm phá đôi nét “bữa ăn cơm tù, họ không còn được phục vụ như các quý bà, quý ông khi đương nhiệm chưa bị bắt giữ, mà nay phải nhận thức ăn giống như mọi người khác”… Mỗi ngày, “họ phải đối mặt với sự khinh miệt và ánh mắt từ bị can cùng phòng giam, cũng như sự phê phán từ xã hội bên ngoài. Sự hiện diện trong trại giam đối với họ không còn là biểu tượng của quyền lực và ưu tiên, mà là biểu tượng của sự thất bại và sự bẽ mặt khi mặt nạ đạo đức quyền lực bị rơi xuống trước thanh thiên bạch nhật”. (Tr 19)

Điều mà tác giả trăn trở rút ra từ tiểu thuyết CÂY THAY LÁ là “Từ sự đổ bể của Tập đoàn Tiền Nổ mà số quan tham không phải là ít núp bóng “vừa hồng vừa chuyên”, “đạo đức sáng ngời”, “điển hình học tập và làm theo tấm gương…”, những kẻ luôn đứng trên bục rao giảng dạy đời bị phơi bày tận gốc bản chất xấu xa, thối tha. Cơ quan chức năng có nhiệm vụ phanh phui, vach mặt. Còn Tiền Nổ như là người “làm công tác tổ chức cán bộ”, xác định tội phạm. Tiền Nổ có đầy đủ bằng chứng số sách ghi chép, ghi âm, ghi hình minh chứng rút ngắn lại quy trình lừa đảo, không thể chối cãi. Từ vị đứng đầu ở vị trí cao đến các thuộc cấp khi bị cơ quan chức năng triệu tập đều thừa nhận ngay tội “nhận hối lộ” và xin nộp lại số tiền đó để mong được giảm nhẹ tội. Nếu không có sự khai báo với những bằng chứng rõ ràng, xác thực thì không biết đến bây giờ và những năm sau thì những quan chức như Thùy Lê, Lý Tơ vẫn là “những tấm gương sáng”, vẫn trong sạch, vững mạnh, vẫn là những thành viên nắm quyền lực “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ (Tr 208).

Trên cơ sở đó, tác giả tiểu thuyết CÂY THAY LÁ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh “Hãy nhìn những cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh như các cựu Bí thư tỉnh Thùy Lê, Chủ tịch tỉnh Lý Tơ phải tra tay vào còng số 8 để mà sợ, mà dừng bước. Về hưu đừng tưởng đã “hạ cánh” an toàn. Còn những ai đang đương chức có quyền quyết định dự án đầu tư hãy xem vụ nhận hối lộ của Tập đoàn Tiền Nổ là bài học lớn cho quan lộ. Chọn con đường thanh liêm hay chọn con đường vào trại giam như Thùy Lê, Lý Tơ…” (Tr 119).

Địa chỉ phát hành: 105 đường Nguyễn Văn Linh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

M.L

Mỹ Lộc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-cao-vuc-sau-cua-quan-tham-trong-tieu-thuyet-cay-thay-la-a25321.html