Định hướng chính sách của các ngân hàng trung ương trước bất ổn thuế quan Mỹ
Các ngân hàng trung ương lớn đang có sự phân hóa trong định hướng chính sách khi thuế quan của Mỹ làm đồng tiền ở các khu vực khác mạnh lên và giúp giảm lạm phát.

Đồng euro tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Các ngân hàng trung ương lớn đang có sự phân hóa trong định hướng chính sách khi thuế quan của Nhà Trắng có nguy cơ làm tăng lạm phát ở Mỹ, trong khi dòng vốn tháo chạy khỏi đồng USD lại làm đồng tiền ở các khu vực khác mạnh lên và giúp giảm lạm phát.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất bảy lần liên tiếp kể từ tháng 6/2024. Tại cuộc họp hồi tháng Tư, ECB giảm ba lãi suất chính gồm lãi suất tiền gửi từ 2,50% xuống còn 2,25%; lãi suất tái cấp vốn chính từ 2,65% xuống còn 2,40%; lãi suất cho vay cận biên từ 2,90% xuống còn 2,65%. Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ gần như nhất trí kỳ vọng ECB sẽ có một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm nữa tại cuộc họp ngày 5/6. Họ cũng cho rằng rất có khả năng sẽ có một đợt cắt giảm khác vào cuối năm.
Lạm phát toàn phần ở Khu vực đồng euro đã giảm xuống 2,2% và đồng euro mạnh lên cũng đang giúp hạ giá hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại và những biến động gần đây xung quanh triển vọng gói kích thích tài khóa của Đức vẫn khiến nhiều nhà quan sát tỏ ra thận tọng.
Tại châu Âu, bức tranh chính sách tiền tệ cũng không đồng nhất. Ngân hàng trung ương Thụy Điển dù giữ nguyên lãi suất chủ chốt vẫn để ngỏ khả năng cắt giảm trong tương lai, với hy vọng các biện pháp chi tiêu chính phủ cho quốc phòng và xây dựng sẽ giúp nền kinh tế tránh được suy thoái. Ngược lại, Ngân hàng trung ương Na Uy đã từ bỏ kế hoạch nới lỏng và duy trì lãi suất ở mức cao kỷ lục 17 năm, do lo ngại lạm phát leo thang từ việc đồng tiền liên kết với dầu mỏ suy yếu khi triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm.

Đồng bảng Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã thực hiện cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống mức 4,25% vào ngày 8/5, đúng như dự kiến của thị trường. Tuy nhiên, sự chia rẽ bất ngờ trong nội bộ các nhà hoạch định chính sách BoE đã khiến thị trường ngạc nhiên. Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 nghiêng về quyết định cắt giảm lãi suất, nhưng có hai thành viên bỏ phiếu ủng hộ mức cắt giảm mạnh hơn (0,5 điểm phần trăm) trong khi hai thành viên khác muốn giữ nguyên lãi suất.
Các nhà giao dịch dự đoán BoE sẽ có một đợt cắt giảm nữa vào tháng Tám.

Quang cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN ;
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 7/5 đã giữ chi phí đi vay ở mức 4,25%-4,50%. Ngân hàng trung ương này vốn đang bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích vì phản đối việc cắt giảm lãi suất. Fed cho biết rủi ro lạm phát và thất nghiệp gia tăng đã làm mờ thêm triển vọng kinh tế Mỹ khi các nhà hoạch định chính sách của họ phải vật lộn với tác động của thuế quan.
Kể từ tháng 12/2024, Fed đã giữ nguyên lãi suất sau khi đã cắt giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản vào năm ngoái. Thị trường đang định giá có khả năng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 75 điểm cơ bản vào cuối năm nay.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), vốn được kỳ vọng từ lâu sẽ theo đuổi việc tăng lãi suất, đã trở nên thận trọng hơn. Các nhà hoạch định chính sách muốn chờ xem thuế quan sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu này như thế nào.
BoJ đã giữ nguyên chi phí đi vay ở mức 0,5% tại cuộc họp ngày 2/5. Thống đốc Kazuo Ueda cho biết cam kết đưa lạm phát xuống 2% đã bị "lùi lại phần nào", còn các nhà đầu tư đang lo lắng chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật mang tính quyết định.
Tương tự, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) cũng phải đối mặt với tình hình thương mại toàn cầu nhiều bất ổn. Dù đã giữ nguyên lãi suất sau bảy lần cắt giảm liên tiếp, sự chia rẽ trong nội bộ giới hoạch định chính sách và nhận định của Thống đốc Tiff Macklem về tính hữu ích hạn chế của các dự báo trong bối cảnh hiện tại cho thấy sự thận trọng. Dù vậy, thị trường vẫn kỳ vọng BoC sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, tại các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như New Zealand và Australia, áp lực cắt giảm lãi suất đang gia tăng rõ rệt.
Các nhà giao dịch kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ New Zealand (ngân hàng trung ương) sẽ sớm hành động để bảo vệ nền kinh tế khỏi các cú sốc thương mại. Tương tự, Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương), dù giữ nguyên lãi suất trong tháng Tư, cũng đối mặt với kỳ vọng cắt giảm mạnh mẽ từ thị trường do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động đến đối tác thương mại lớn nhất của nước này.