Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tăng trưởng 2 con số khi Tổng thống Trump trở lại

Theo hãng tin Bloomberg, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tháng đầu của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, khi các cơ sở sản xuất của nước này mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài nhằm đối phó với nguy cơ từ các mức thuế của Mỹ.

Công nhân nhà máy Trung Quốc làm việc trên dây chuyền lắp ráp. Ảnh: Getty Images.

Công nhân nhà máy Trung Quốc làm việc trên dây chuyền lắp ráp. Ảnh: Getty Images.

Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố hôm 9/5, các doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng lượng tài sản ở nước ngoài lên khoảng 48 tỷ USD trong quý I năm nay - tăng 28% so với cùng kỳ năm 2024.

Số liệu này phản ánh phần nào cách thức mà các công ty Trung Quốc ứng phó với giai đoạn đầu của cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Trump phát động trong năm nay. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong nước và rủi ro ngày càng lớn từ các biện pháp ngăn chặn thương mại, nhiều công ty Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hiện diện ở nước ngoài nhằm nỗ lực giảm bớt căng thẳng bằng cách tạo ra việc làm và cơ hội kinh tế tại các thị trường khác.

Thời gian gần đây, Tổng thống Trump đã tìm cách sử dụng công cụ thuế quan, đàm phán thương mại để gây sức ép lên các nước từ Đông Nam Á đến châu Âu, yêu cầu các quốc gia này hạn chế giao thương với Bắc Kinh. Các biện pháp trên có thể bao gồm việc siết chặt đầu tư từ Trung Quốc cũng như các quy định khác được thiết kế để ngăn Bắc Kinh xuất khẩu năng lực công nghiệp dư thừa trong nước ra nước ngoài.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã gia tăng việc giám sát các khoản đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp trong nước, sau khi dòng vốn chảy mạnh ra nước ngoài gây áp lực lên đồng nhân dân tệ. Vào tháng trước, Bloomberg News từng cho biết rằng Trung Quốc cũng đã có các bước đi nhằm hạn chế doanh nghiệp nội địa đầu tư vào thị trường Mỹ.

Ở chiều ngược lại, dữ liệu từ SAFE cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 14,7 tỷ USD vào Trung Quốc trong quý I, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút doanh nghiệp quốc tế. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3 vừa qua cũng đã cam kết với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu rằng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và giải quyết những thách thức mà họ gặp phải khi hoạt động tại nước này.

Trong một động thái liên quan, ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Thụy Sĩ, đồng thời hy vọng hai bên có thể đạt tiến triển thực chất nhằm giảm mức thuế cao mà Washington đang áp dụng đối với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết có thể sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau các cuộc đàm phán.

Động thái này được xem là tín hiệu tích cực đầu tiên sau nhiều tuần bế tắc, cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều sẵn sàng tái khởi động đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trung Quốc hiện đang phải chịu mức thuế 145% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Bắc Kinh áp mức thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa Washington.

Tổng thống Trump cho biết chính quyền Mỹ có thể cân nhắc điều chỉnh giảm thuế nếu các cuộc đàm phán sắp tới đạt tiến triển tích cực. Ông cho rằng mức thuế hiện tại đã ở ngưỡng cao nhất và việc giảm là điều hợp lý, đồng thời đánh giá Trung Quốc- quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, thể hiện thiện chí đạt thỏa thuận và mở cửa thị trường.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dau-tu-nuoc-ngoai-cua-trung-quoc-tang-truong-2-con-so-khi-tong-thong-trump-tro-lai-20250509215624259.htm