Định hướng chính sách thị trường tài chính Việt Nam
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài và bên trong, thị trường tài chính Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ có những điều kiện thuận lợi để phát triển.
Ngày 12/12, tại Ninh Thuận, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường tài chính Việt Nam: Triển vọng và định hướng chính sách”.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các bộ ngành, tổ chức nghiên cứu, các định chế tài chính và lãnh đạo, cán bộ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, kinh tế.
Hội thảo là một phần hoạt động thuộc khuôn khổ của Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” do KOICA tài trợ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức để nhận diện những hạn chế rủi ro, xác định các cơ hội, đường lối nhằm đảm bảo phát triển sự ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính như: Kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế - tài chính Việt Nam; tác động của kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính Việt Nam-Triển vọng thị trường tài chính năm 2025; quản lý rủi ro thị trường tài chính Việt Nam.
Thông qua dự án này, các bên đã và đang nỗ lực tăng cường khả năng hợp tác và ứng phó với khủng hoảng tài chính, cũng như ổn định hệ thống tài chính tại Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu rủi ro thường trực của nhiều xung đột kéo dài với các diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam sẽ luôn bị đặt vào thế rủi ro bất định nhưng cũng vì thế lại đem lại những thuận lợi nhất định đối với Việt Nam. Triển vọng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2024 có nhiều phần tích cực nhờ khả năng thích ứng tốt của nền kinh tế Mỹ, lạm phát được kiềm chế tốt ở các nước phát triển.
Tại Việt Nam, GDP 9 tháng năm 2024 tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 6,82% so với cùng kỳ năm trước nhờ điểm sáng của hoạt động xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng lưu ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 10 tháng năm 2024 tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, tăng cả về số lượng và chất lượng nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, đồng thời đề cao các hành động nhanh chóng của các cơ quan chức năng để duy trì ổn định tài chính vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bấp bênh.
Tuy vậy, Việt Nam cũng gặp tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, ước tính hết tháng 11 chỉ đạt 54,7% tổng kế hoạch; trong đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ODA 11 tháng qua chỉ đạt 39,06%. Các xung đột trên thế giới cũng ảnh hưởng mạnh tới thị trường hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là giá vàng và dầu đã liên tục lập kỷ lục trong mùa hè năm nay và sức ép tỷ giá cũng hiện hữu rõ rệt, đặc biệt là trong hai tháng 10 và 11, thúc đẩy hoạt động bán ròng kỷ lục của các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 đạt 10,08%, vẫn thấp so với mục tiêu 15% được đặt ra từ đầu năm.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia trình bày 8 tham luận chính, bao gồm: Kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế - tài chính Việt Nam; tác động của kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính Việt Nam - triển vọng thị trường tài chính năm 2025; tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế: giải pháp của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc; nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; các công cụ quản lý an toàn vĩ mô; áp dụng thử nghiệm sức căng trong giám sát ngân hàng; quản lý rủi ro tại ngân hàng thương mại; tạo dữ liệu tổng hợp về tài chính đảm bảo yêu cầu bảo mật dữ liệu.
Trình bày tại hội thảo, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ một số thông tin nổi bật về kinh tế thế giới, đặc biệt nhấn mạnh đến một số “cú sốc” lên nền kinh tế - tài chính của Việt Nam với ba cơn “gió ngược” đó là áp lực lạm phát cao kéo dài, chính sách tiền tệ thắt chặt và sự suy giảm tăng trưởng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc.
Đồng thời TS. Lê Xuân Sang cũng chỉ ra những điểm sáng, thuận lợi của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế - tài chính của Việt Nam như sự phục hồi của thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu, sự khôi phục của du lịch quốc tế và xu hướng tăng trưởng xanh. Việc hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện cải cách sâu rộng cộng với sự đồng thuận của xã hội sẽ giúp Việt Nam nắm bắt các cơ hội, giảm thiểu thách thức và huy động tốt các nguồn lực để phát triển trong những năm tới.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia dành thời gian trao đổi, chia sẻ về các vấn đề như: Thực tiễn giám sát chung thị trường tài chính ở Việt Nam và một số đề xuất, khuyến nghị; tăng cường chất lượng quản trị trong hoạt động tập đoàn tài chính tại Việt Nam hiện nay; rủi ro liên thông: thách thức và khuyến nghị cho giám sát chung thị trường tài chính Việt Nam; Ứng dụng công cụ heatmap để đánh giá an toàn tài chính của các định chế tài chính tại Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; tác động của chính sách tiền tệ đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam; tối ưu hóa cơ cấu danh mục đầu tư sử dụng mô hình Markowitz; tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu năm 2025 đối với thị trường tài chính Việt Nam.
Theo nhận định chung của các chuyên gia, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài và bên trong, thị trường tài chính Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Những cải cách trong khung khổ pháp luật, sự phục hồi dần của bất động sản và triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là động lực quan trọng, góp phần tăng cường sức chống chịu của thị trường trước những biến động toàn cầu.
Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và một số cơ quan liên quan của Việt Nam thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) được triển khai trong 5 năm 2021-2025.
Mục tiêu của dự án là xây dựng các công cụ cảnh báo sớm khu vực tài chính, bao gồm bộ chỉ tiêu giám sát, mô hình cảnh báo sớm, mô hình thử sức căng, góp phần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính, qua đó hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam; đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dinh-huong-chinh-sach-thi-truong-tai-chinh-viet-nam/356545.html