Định hướng đúng để phát triển nguồn nhân lực xanh
Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo xu hướng kinh tế xanh, mở ra cơ hội việc làm dồi dào cho người lao động. Dù mới ở giai đoạn đầu, nhưng tiềm năng phát triển là rất lớn; tuy nhiên, để thị trường việc làm xanh thực sự bền vững, cần có chiến lược dài hạn cùng chính sách phù hợp, đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
Nhu cầu việc làm xanh đang gia tăng mạnh mẽ
So với nhiều quốc gia phát triển, Việt Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế xanh. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng, mơ hồ về khái niệm việc làm xanh, chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa cũng như tác động của nó đối với doanh nghiệp, xã hội và môi trường.
Vì vậy, xu hướng tuyển dụng lao động xanh hiện mới chỉ thấy rõ ở một nhóm nhỏ doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty đa quốc gia và tập đoàn lớn tại Việt Nam, dù thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước nhận thức được xu hướng này và bắt đầu chuyển mình để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thế giới. Theo thống kê của ManpowerGroup Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024, nhu cầu tuyển dụng việc làm xanh cao nhất thuộc về lĩnh vực sản xuất (33%), tiếp theo là các ngành khoa học đời sống, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, năng lượng, giao thông vận tải, logistics và nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề khác cũng đang dần chuyển đổi theo hướng xanh hóa.
Khảo sát toàn cầu của ManpowerGroup cho thấy, 70% doanh nghiệp trên thế giới đã hoặc đang có kế hoạch tuyển dụng nhân lực xanh. Điều này cho thấy, trong tương lai gần, xu hướng việc làm xanh tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan.
![Có tới 70% doanh nghiệp toàn cầu đã hoặc đang có kế hoạch tuyển dụng nhân lực xanh. Ảnh: Thu Hằng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_592_51415712/7bd7d2eeeaa003fe5ab1.jpg)
Có tới 70% doanh nghiệp toàn cầu đã hoặc đang có kế hoạch tuyển dụng nhân lực xanh. Ảnh: Thu Hằng
Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, việc tham gia các dự án nghiên cứu, sáng kiến xanh hoặc sở hữu kỹ năng phân tích dữ liệu môi trường sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng, giúp ứng viên tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm đa dạng trong nền kinh tế xanh.
Dù vậy, để xây dựng được lực lượng lao động xanh chuyên nghiệp, cần có những định hướng rõ ràng và sự hỗ trợ từ nhiều phía nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.
Theo bà Pauline Tamesis, hiện nay nhu cầu về kỹ năng xanh đang vượt xa nguồn cung sẵn có. Dự báo đến năm 2030, có đến 60% thanh niên có thể thiếu hụt các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế xanh. Vì vậy, cần có những giải pháp kịp thời để thu hẹp khoảng cách này, bảo đảm tất cả mọi người - bất kể xuất thân hay giới tính - đều có cơ hội tiếp cận công bằng với những kỹ năng xanh cần thiết.
Nâng cao nhận thức cho lao động và doanh nghiệp
Theo bà Cao Lê Thanh Loan, Giám đốc cấp cao, Dịch vụ khoán việc và Cho thuê lại lao động - Convenience miền Nam và Dịch vụ Tư vấn về nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam cho rằng tác động xanh hay trách nhiệm môi trường, xã hội, quản trị (ESG) của doanh nghiệp đang ngày càng được nhiều người quan tâm.
Không chỉ nhằm gia tăng tính linh hoạt và ứng phó với các thách thức trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến động, việc phát triển bền vững của doanh nghiệp còn nhằm gia tăng thương hiệu doanh nghiệp và đáp ứng lại kỳ vọng của các bên như đối tác, nhà đầu tư, người tiêu dùng và người lao động
Đối với người lao động, sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến cũng như việc làm mới. Ngoài ra, người lao động trong các ngành xanh thường được đào tạo và phát triển các kỹ năng mới, giúp họ nâng cao năng lực và giá trị bản thân.
Hơn nữa, các doanh nghiệp xanh cũng thường chú trọng đến việc tạo ra môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các rủi ro và chú trọng đến sức khỏe, hạnh phúc toàn diện của người lao động. Làm việc trong các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường giúp người lao động cảm thấy tự hào và gắn kết với công việc hơn. Đôi khi việc làm xanh có thể tốn chi phí hơn của doanh nghiệp, nhưng người lao động chưa chắc đã nhận được lương cao hơn. Song, họ có thể nhận được những giá trị khác không đo đếm được bên ngoài thu nhập.
Để thị trường này phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài, trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cả doanh nghiệp và người lao động mọi lĩnh vực, ngành nghề về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, giúp họ thường xuyên cập nhật những xu hướng lao động - việc làm mới trên mọi ngành nghề. Cần thay đổi nhận thức, thói quen của mọi người không chỉ về việc làm xanh mà cả về phát triển bền vững.
Doanh nghiệp cần có thêm đội ngũ nội bộ hoặc sự hỗ trợ từ bên ngoài như các đơn vị tư vấn để tìm ra hướng đi, cách thức phát triển bền vững, xây dựng việc làm xanh…, giúp tối ưu hóa chi phí và tăng lợi nhuận. Việc này cũng mở ra xu hướng về việc làm. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, hướng dẫn đầy đủ về thực hiện chuyển đổi xanh cũng như triển khai việc làm xanh cho các doanh nghiệp.
Về lâu dài, nhân lực và kỹ năng là những yếu tố then chốt nhất nếu muốn phát triển thị trường việc làm xanh. Các cơ sở đào tạo cần nắm bắt xu hướng việc làm, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ngành nghề để triển khai đào tạo các kiến thức, kỹ năng xanh phù hợp cho học sinh, sinh viên, người lao động bám sát thực tiễn. Cần có sự phối hợp và đồng hành giữa ba bên là cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - người lao động.
Chuyển đổi xanh - một phần trong phát triển bền vững là một con đường dài và cần thời gian nhất định mới thấy được kết quả. Doanh nghiệp cần xác định rõ điều này để xây dựng chiến lược phát triển, tuyển dụng, cũng như đầu tư phù hợp với từng giai đoạn trong dài hạn.