Định hướng phát triển điện hạt nhân và năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ và chuyển dịch năng lượng sạch, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) không chỉ là một yêu cầu cấp thiết, mà còn là 'kim chỉ nam' cho việc sử dụng năng lượng an toàn, hiệu quả, hiện thực hóa định hướng phát triển điện hạt nhân và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh tư liệu: Đặng Tuấn/TTXVN

Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh tư liệu: Đặng Tuấn/TTXVN

Thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng vì hòa bình

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cập nhật, hoàn thiện thể chế để phù hợp với xu hướng phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng các cam kết quốc tế về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình thì Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được thông qua là hành lang pháp lý quan trọng, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng nguyên tử bền vững, vì mục đích hòa bình. Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng năng lượng nguyên vì mục đích hòa bình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được xây dựng với mục đích tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới. Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được xây dựng theo hướng thể hiện rõ vai trò "kiến tạo phát triển" của Nhà nước trong lĩnh vực đòi hỏi an toàn cao, yêu cầu công nghệ phức tạp.

Song song với Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nghị định, thông tư để đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật khi Luật chính thức có hiệu lực. Hiện nay, Bộ đang xây dựng, hoàn thiện “Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Nghị quyết hướng đến phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực; phù hợp, đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, bảo đảm an toàn cao nhất cho con người và môi trường, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và hệ thống tổ chức quản lý tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Đảm bảo an ninh năng lượng, làm chủ công nghệ

Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, trọng tâm chính sách là định hướng phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, chú trọng đưa ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, hình thành ngành công nghiệp hạt nhân phục vụ phát triển đất nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới được Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham khảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về năng lượng nguyên tử của Việt Nam, hướng tới phát triển điện hạt nhân là chương trình dài hạn, sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn và được kiểm chứng, góp phần đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện nền ổn định phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đảm bảo quan điểm và mục tiêu an toàn cao nhất cho con người và môi trường, tạo không gian phát triển mới và phát triển điện hạt nhân là chương trình dài hạn, phải sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn và được kiểm chứng, góp phần đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện cho nền kinh tế khi Việt Nam đang trong qua trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong đó, ưu tiên phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, xác định công nghệ hạt nhân là công nghệ chiến lược, hướng tới phát triển năng lực, tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân, từng bước tiến tới sáng tạo công nghệ.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết thêm, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được Nhà nước bảo đảm ngân sách xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia; đầu tư xây dựng địa điểm lưu giữ, xử lý, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cấp quốc gia. Luật cũng mở rộng khả năng thu hút vốn, khuyến khích khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế tham gia đầu tư, phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, điều này không chỉ phù hợp với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, mà còn thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng rộng rãi năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế-xã hội như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường.

Đáng chú ý, chính sách khuyến khích chuyển giao, tăng cường năng lực chế tạo và nội địa hóa trang thiết bị cho thấy tầm nhìn chiến lược cùng với chính sách bảo đảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là sự thể chế hóa trực tiếp Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Có thể khẳng định, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) không chỉ nhằm hoàn thiện khung pháp lý mà là bước ngoặt thể chế để cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện vai trò dẫn dắt, khơi thông nguồn lực và xác lập nền tảng phát triển thực chất, bền vững cho ngành năng lượng nguyên tử, khẳng định vị thế quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.

HL (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dinh-huong-phat-trien-dien-hat-nhan-va-nang-luong-nguyen-tu-vi-muc-dich-hoa-binh-20250710095424089.htm