Định mức GV tính theo vùng, có thể xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên?
Các trường ở vùng 1 dễ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên vì số lượng học sinh/lớp ít hơn hiện nay nhưng vùng 3 có thể vừa thừa, vừa thiếu giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, có hiệu lực từ ngày 16/12/2023 tới đây.
Theo hướng dẫn của Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, chúng ta thấy có nhiều thay đổi so với hiện nay khi Bộ quy định sĩ số học sinh/ lớp theo vùng. Từ đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông.
Chính vì thế, nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn mới, có thể sẽ xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên. Các trường ở vùng 1 dễ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên vì số lượng học sinh/lớp ít hơn so với hiện nay. Trong khi, một số trường ở vùng 3 có thể xảy ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên.
Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định sĩ số học sinh ra sao?
Tại khoản 1, Điều 3 Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên như sau:
“a) Vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;
b) Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
c) Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.
2. Số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông như sau:
a) Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
b) Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
c) Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
d) Số lượng học sinh/lớp của trường phổ thông dân tộc nội trú và trường trung học phổ thông chuyên thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động.
3. Việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.
4. Căn cứ quy định chia vùng tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đối với những trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp phù hợp với thực tế”.
Như vậy, quy định về số lượng học sinh/lớp ở Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023 so với hiện nay và những năm vừa qua có nhiều thay đổi.
Bởi lẽ, tại Điều 16 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định chung về tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường tiểu học mỗi lớp học do 01 giáo viên chủ nhiệm phụ trách và có không quá 35 học sinh.
Còn tại Điều 16 Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể số học sinh trong mỗi lớp, bảo đảm mỗi lớp học ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không vượt quá 45 học sinh.
Vì thế, quy định hiện hành không chia số lượng theo khu vực mà chỉ giới hạn tối đa sĩ số học sinh ở mỗi cấp học nên về cơ bản các cấp học sẽ bố trí tối đa ở tiểu học là 35 học sinh/ lớp và 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tuy nhiên, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023 tới đây chia số lượng học sinh/lớp theo vùng và tính bình quân nên sẽ có nhiều xáo trộn. Những trường có sĩ số học sinh cao hơn sẽ phải giảm xuống; những trường có sĩ số thấp hơn quy định thì đương nhiên phải gộp lớp để đảm bảo sĩ số và định mức giảng dạy của giáo viên.
Có thể xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên?
Đối với giáo viên và các nhà trường, có lẽ điều mong muốn nhất là sĩ số học sinh/lớp dao động khoảng 20-25 học sinh (đối với cấp tiểu học) 30-35 học sinh (đối với các cấp trung học) là lí tưởng nhất vì số lượng này sẽ giúp cho giáo viên quản lý, sâu sát với học sinh được tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế học sinh/lớp ở từng địa bàn thường khác nhau. Những khu vực các phường của các thành phố lớn thì số lượng học sinh/ lớp thường cao hơn quy định nhưng những trường ở các khu vực khác lại thường thấp hơn số quy định tối đa.
Vì thế, khi Bộ ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT sẽ dẫn đến việc cơ cấu lại số lớp ở các nhà trường- nếu được triển khai thực hiện một cách triệt để.
Những trường phổ thông ở vùng 1 nếu thực hiện đúng hướng dẫn Thông tư 20: “Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông” thì số lượng học sinh/lớp so với hiện tại sẽ giảm khoảng 1/3.
Khi số lượng học sinh/ lớp giảm xuống, đồng nghĩa số lớp của mỗi trường sẽ tăng lên và định mức giáo viên trong đơn vị cũng cần thêm nhiều hơn nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, phòng ốc, trang thiết bị dạy học cũng phải đầu tư nhiều hơn so với hiện tại.
Trong khi đó, các trường thuộc vùng 3 có khả năng sẽ xảy ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Thừa là những trường lâu nay có sĩ số thấp hơn con số 45 học sinh/ lớp nhưng thiếu đối với những trường đang có sĩ số trên 45 học sinh/lớp.
Thầy Trần Hữu M., hiệu trưởng cấp trung học cơ sở ở một tỉnh phía Nam tỏ ra băn khoăn và chia sẻ như sau: “Theo hướng dẫn của Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT trường tôi sẽ thừa giáo viên.
Bởi, trường chúng tôi ở vùng III, hiện có 39 lớp với sĩ số 1.580 học sinh (bình quân 40.5 học sinh/ lớp). Nếu như Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, sĩ số bình quân 45 học sinh/ lớp sẽ còn 35 lớp.
Như vậy, theo định mức (tối đa 1,9 giáo viên/ lớp) sẽ có 8 giáo viên dôi dư. Số giáo viên này sẽ giải quyết ra sao là bài toán khó cho nhà trường bởi trường công lập đang thực hiện kinh phí khoán hằng năm. Tinh giản cũng không được và chuyển giáo viên đi thì không đủ chức năng. Trong khi, giáo viên của trường đa số là người địa phương và đa phần đang còn trẻ”.
Cô Trần Nguyễn Minh V., hiệu trưởng tại một trường thuộc khu vực trung tâm của một thành phố phía Nam lại chia sẻ ngược lại: “Trường tôi hiện có gần 2.000 học sinh nhưng những năm qua chỉ được biên chế 40 lớp nên số lượng học sinh/ lớp luôn dao động ở mức 49-50 em/lớp. Trường thuộc khu vực nội thành nên tỉ lệ học sinh bỏ học gần như không có nên sĩ số mỗi lớp luôn được duy trì đến cuối cấp.
Nếu áp dụng Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, trường chúng tôi sẽ tăng thêm khoảng 4,5 lớp, đồng nghĩa với việc cần thêm khoảng 9 giáo viên.
Bên cạnh đó, việc tăng thêm lớp cũng cần tăng thêm phòng học, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, những việc này đang ngoài tầm tay của nhà trường. Vì thế, phải chờ hướng dẫn của cấp trên xem tới đây triển khai Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT như thế nào”.
Từ nay đến khi Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực vào ngày 16/12/2023 đã cận kề. Tuy nhiên, có lẽ việc áp dụng trực tiếp vào từng đơn vị phải chờ đến năm học 2024-2025 tới đây vì năm học 2023-2024 đang dở dang.
Song, việc triển khai triệt để Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT vào từng trường học sẽ phát sinh nhiều vấn đề nan giải và liên quan đến nhiều ban, ngành ở các địa phương. Bởi lẽ, việc tính định mức giáo viên theo vùng sẽ đụng đến 2 nguồn lực là con người và tiền bạc mà cả 2 lại liên quan đến rất nhiều chủ trương, chính sách khác nhau.