Độ trễ trong nghiên cứu khoa học cần được quy định rõ ràng, tránh trục lợi
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong phiên thảo luận tại Tổ 2, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học cần được quy định rõ ràng gắn với trách nhiệm cụ thể...

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 2
Chiều 6/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Tham gia phiên thảo luận tại Tổ 2 gồm có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, đa số các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung trọng tâm được đề xuất tại các dự án Luật, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đa số các ĐBQH cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời đề nghị bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; đề nghị trong dự án Luật cần được thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân cũng như có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động; có quy định rõ ràng đối với việc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học…

Đại biểu Hà Phước Thắng đóng góp ý kiến tại phiên họp
Tại khoản 2 Điều 37 đề cập về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị bổ ung cụm từ “khu công nghệ thông tin tập trung hoặc khu công nghệ số tập trung” vào nội dung khoản 2 để phù hợp với Luật Công nghệ thông tin và dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Với nội này, theo đại biểu Hà Phước Thắng, khoản 2 nên được viết lại là doanh nghiệp khoa học và công nghệ được xem xét ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung hoặc khu công nghệ số tập trung.
Ngoài ra, đại biểu Hà Phước Thắng cũng đề nghị bổ sung vào trong dự án Luật quy định về chương trình đào tạo công nghệ cao, chương trình hợp tác giữa các trường đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ nhằm tạo nhân lực sát với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện để sinh viên và nhà khoa học trẻ tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo ngay từ khi còn học tập; quy định tổ chức thí điểm tại một số địa phương mô hình giáo dục công nghệ cao tại các thành phố lớn.
Đề cập về chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật quy định rõ ràng việc cấp nhận rủi ro trong hoạt động này như thế nào để tránh các tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định “mở” này cũng như sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện các đề tài nhưng lại với mục đích trục lợi. Ngoài ra, việc quy định chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng cần gắn với trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu.

Đại biểu Trần Kim Yến
Liên quan tới việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, đây là điểm mới, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, vẫn cần có những quy định chi tiết để tránh lạm dụng quy định chấp nhận rủi ro dẫn đến thất thoát ngân sách; đồng thời, nâng cao vai trò của hội đồng, nhất là hội đồng đánh giá, nghiệm thu, chọn đề tài, để bảo vệ tài sản công.
Đối với dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung vào Điều 7a việc Chính phủ bố trí ngân sách hàng năm tối thiểu 0,1% GDP cho đầu tư, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Vì nếu không có nguồn lực ổn định, các mục tiêu hiện đại hóa tiêu chuẩn, đo lường chỉ mang tính hình thức.
Ngoài ra, đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng ủng hộ việc mở rộng trách nhiệm "phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia", nhưng cần bổ sung trách nhiệm: "Hướng dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn." Vì trên thực tế hiện nay, chi phí thử nghiệm, chứng nhận vẫn rất cao, nhiều doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu
Trong khuôn khổ phiên họp, các ĐBQH tại Tổ 2 cũng nhất trí với việc sửa đổi dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Theo đó, các ĐBQH cho rằng, dự án Luật cần được kế thừa các quy định của Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành; bổ sung một số quy định bảo đảm phù hợp với Sổ tay hướng dẫn về luật hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); sửa đổi một số quy định để đồng bộ hệ thống pháp luật, xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa được điều chỉnh bởi Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn Luật hoặc các quy định hiện hành không còn phù hợp.
Một số hình ảnh tại phiên họp:

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Tri Thức

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Đại biểu Trần Anh Tuấn đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm tại phiên họp

Đại biểu Vũ Hải Quân phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93923