Đổ xô đi tiêm vắc-xin: Không lo lắng nhưng đừng chủ quan

Tại Viện Pasteur TP HCM, lâu nay mỗi ngày chỉ có khoảng 10 người đến tiêm vắc-xin bạch hầu thì nay tăng lên 100-120 người mỗi ngày

Sau ca tử vong do bạch hầu, nhiều người đổ xô tiêm vắc-xin phòng bệnh gây nên hiện tượng khan hiếm vắc-xin, đặc biệt khu vực TP HCM.

Nhiều nơi "cháy hàng"

Tâm lý lo lắng này cũng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, nhiều người dân đã đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu. Chỉ riêng tại Viện Pasteur TP HCM, sau khi xảy ra ca tử vong ở Nghệ An do bạch hầu, rất đông người tìm đến để chích ngừa. Lâu nay, nơi đây chỉ khoảng từ 10-12 trường hợp đến tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu mỗi ngày thì gần đây chỉ sau 3 ngày, con số này đã tăng lên 100-120 trường hợp/ngày. Sự gia tăng đột biến khiến số vắc-xin dự phòng hết sớm hơn so với dự kiến.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) gần đây, số lượng phụ huynh đưa con đến khám sức khỏe để được tư vấn tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu cũng tăng hơn trước. Khi kiểm tra sổ tiêm chủng, đa số các bé đều bảo đảm đã được tiêm ngừa bệnh. Thậm chí, theo ghi nhận tại 1 đơn vị tiêm chủng tư nhân trên địa bàn TP HCM, lượng người đến tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu trong những ngày qua tăng hơn 100%, "vượt đỉnh" chưa từng có.

TS-BS Huỳnh Trung Triệu, Phó trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức - chống độc trẻ em - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là cực kỳ quan trọng, đặc biệt với những bệnh nguy hiểm như bạch hầu. Tuy nhiên, việc đợi đến khi có ca bệnh xuất hiện rồi mới đổ xô đi tiêm chủng là không nên. Điều này vừa khiến bản thân người đi tiêm không được đáp ứng sinh tâm lý bực bội mà còn khiến hệ thống dự phòng quá tải vì lượng tiêm đông bất thường. Phòng bệnh là việc làm suốt đời, trong đó có bệnh bạch hầu. Bệnh này ở nước ta hiện ở mức thấp, người bệnh chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, chưa được chủng ngừa. Đặc biệt, bệnh bạch hầu có thể điều trị bằng kháng sinh, kháng độc tố và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh. "Không nên chờ đợi đến khi có dịch bệnh xảy ra mới đến tiêm ngừa phòng bệnh mà thay vào đó mỗi người cần có ý thức chủ động tiêm phòng từ sớm và duy trì tiêm chủng đều đặn" - bác sĩ Triệu khuyến cáo.

Người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh

Người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh

Theo PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, ở nước ta, chương trình tiêm chủng mở rộng đã được thực hiện có hiệu quả nên đa số mọi người đều có miễn dịch. Bên cạnh đó, hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa, có kháng sinh điều trị giúp giảm biến chứng nặng của bạch hầu, giảm nguy cơ lây lan. "Bạch hầu không còn là bệnh đáng sợ và nguy cơ lây lan thành dịch sẽ rất thấp nếu chúng ta thực hiện các biện pháp kiểm soát ổ dịch tốt" - bác sĩ Dũng cho biết.

Liên hệ cơ sở y tế là tốt nhất

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó trưởng Khoa Sức khỏe trẻ em - Bệnh viện Nhi Đồng 2, vắc-xin bạch hầu là vắc-xin phối hợp với các loại vắc-xin khác như "3 trong 1" (bạch hầu, ho gà, uốn ván); "4 trong 1" (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt); "5 trong 1" (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, Hib); "6 trong 1" (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, bại liệt). Tại bệnh viện tiếp nhận trẻ đến tiêm từ 6 tuần tuổi, sau đó tiêm mũi nhắc khi trẻ 16-18 tháng, đến 4 - 6 tuổi trẻ sẽ được tiêm thêm một mũi nữa. Khi trưởng thành từ 5-10 năm tiêm nhắc một lần.

Bác sĩ Huỳnh Trung Triệu nhấn mạnh thêm các bệnh truyền nhiễm hầu hết đều dễ lây lan. Tuy nhiên, với bệnh bạch hầu khi tiếp xúc gần (dưới 1 m), người bệnh liên tục ho, hắt hơi mới có nguy cơ lây bệnh. Hiện nay đang có các dịch bệnh khác như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết... nên người dân chớ chủ quan. Đặc biệt là bệnh uốn ván. Bệnh này có tỉ lệ tử vong cao, biến chứng nặng nề nên cũng cần tiêm phòng đồng thời với các bệnh truyền nhiễm khác chứ không riêng gì về bệnh bạch hầu. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) mỗi năm tiếp nhận gần 500 ca uốn ván.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM khuyến cáo bên cạnh có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu nhưng người dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cụ thể như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc, nghi ngờ mắc bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; bảo đảm vệ sinh ăn chín uống sôi. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Để tránh tâm lý hoang mang và tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin không chính thống, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý tiêm vắc-xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn và khuyến cáo cụ thể từ cơ quan y tế trong vùng có dịch. Trong trường hợp cần thiết, hãy liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh. Điều này giúp bảo đảm tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm, bảo đảm an toàn và hiệu quả trong việc phòng bệnh.

Nằm trong tầm kiểm soát

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh. Hiện nay, vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván còn được Hội Y học Dự phòng Việt Nam cũng như WHO và CDC Mỹ khuyến cáo tiêm cho phụ nữ đang mang thai từ 27 đến 36 tuần thai. Bên cạnh đó, một số đối tượng cần ưu tiên tiêm chủng gồm: Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; người lớn tuổi và người chưa tiêm vắc-xin.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/do-xo-di-tiem-vac-xin-khong-lo-lang-nhung-dung-chu-quan-196240719193732194.htm