Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 10/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 16.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu ý kiến thảo luận.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu ý kiến thảo luận.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng tham gia ý kiến thảo luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, tại khoản 2 Điều 1 dự án luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Luật hiện hành như sau: “… Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được phép lập đồng thời. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước; đối với quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn…”. Dự thảo luật cho phép các quy hoạch chuyên ngành lập song song quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy định trình tự xử lý mâu thuẫn tại khoản 3, Điều 1. Việc quy định này giúp rút ngắn tiến độ lập các quy hoạch, tuy nhiên dễ phát sinh xung đột do chưa có khung định hướng chung. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ chế và quy định để phát hiện mâu thuẫn trước khi trình Hội đồng thẩm định; đồng thời giao Chính phủ ban hành khung tiêu chí đánh giá sự phù hợp giữa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để các địa phương có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Tại khoản 12, điều 1 dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 27 luật hiện hành quy định về nội dung quy hoạch tỉnh đã chuyển nội dung “Danh mục dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện” sang kế hoạch thực hiện quy hoạch quy định tại khoản 19, điều 1 dự án luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung lồng ghép quy định về đồng bộ kế hoạch thực hiện quy hoạch và kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, tránh sự chồng chéo và các địa phương có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện…

Qua nghiên cứu, tại phụ lục hồ sơ có đề nghị bãi bỏ 3 quy hoạch để thành lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, điều này gây bất cập. Đại biểu đề nghị giữ nguyên 3 quy hoạch trong luật sửa đổi và việc chỉnh sửa, tích hợp, đề nghị có nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học, thực tiễn. Trong trường hợp có nhiều quy hoạch lập mới, tích hợp hay kế thừa thì cần có những quy định cụ thể trong Luật để triển khai. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, rà soát bổ sung thêm quy định về nội dung hết hiệu lực tại một số điều của Luật Đất đai năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu năm 2024...

Đại biểu Phạm Hùng Thắng đã tham gia một số ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, về chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền phát biểu ý kiến thảo luận.

ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền phát biểu ý kiến thảo luận.

Tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền đề nghị cần kịp thời thể chế hóa việc bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như các quy định hiện hành. Đồng thời, cần thể chế hóa các tiêu chí về đánh giá doanh nghiệp tư nhân. Với sự ra đời Nghị quyết 68 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đây là lần đầu tiên trong nghị quyết của Đảng đưa ra quan điểm về đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế với hệ tiêu chí cốt lõi rất rõ ràng, minh bạch gồm: Mức độ tuân thủ pháp luật; giải quyết việc làm; đóng góp vào ngân sách nhà nước; tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để thúc đẩy việc xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản sắc dân tộc, trách nhiệm xã hội, tích cực góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Cùng với việc nêu tiêu chí đánh giá doanh nghiệp, Nghị quyết 68 còn đề ra các chủ trương “Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật”. Đây là những vấn đề có liên quan mật thiết với nhau, cần được nghiên cứu để quy phạm hóa trong luật hoặc trong nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân.

Về bảo đảm quyền sở hữu của doanh nghiệp, theo đại biểu Trần Thị Hiền, khoản 2, Điều 5 Luật hiện hành quy định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp”. Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết 68 có chủ trương “Rà soát, hoàn thiện và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình”. Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh “quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình”, đây là những yếu tố thuộc về giá trị của doanh nghiệp và ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, nội hàm của tài sản vô hình gồm những gì cũng cần được thể chế hóa, bổ sung, làm rõ trong luật trên cơ sở học hỏi, tiếp cận và phù hợp với pháp luật quốc tế và văn hóa kinh doanh thế giới...

Mai Hương (Tổng hợp)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dai-bieu-quoc-hoi-ha-nam-thao-luan-o-to-ve-cac-du-an-luat-160678.html