Phó Thủ tướng: Con tàu VIMC đã vượt sóng, vươn xa tiến vào kỷ nguyên mới

Hiện tại, VIMC đã quản lý hơn 16 cảng biển trọng điểm đồng thời sở hữu đội tàu vận tải biển với năng lực vận tải ngày càng được nâng cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho VIMC. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho VIMC. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực hàng hải, hướng tới tương lai phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển quốc gia.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (29/4/1995-29/4/2025) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì của VIMC vào chiều 10/5, ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong 30 năm qua của VIMC, đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu đất nước, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng VIMC đã nỗ lực không ngừng khi đến nay có hệ thống cảng biển trải dải trên cả nước, đội tàu biển vươn xa đến nhiều nước trên thế giới, dịch vụ hàng hải phủ rộng trên toàn quốc, giúp kết nối Việt Nam với thế giới.

Đánh giá cao và biểu dương nỗ lực lãnh đạo tổng công ty, người lao động, theo Phó Thủ tướng, VIMC đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì này là ghi nhận những đóng góp của tổng công ty, tôn vinh thế hệ người lao động đã lèo lái con tàu vượt sóng, vươn xa.

Dẫn giải Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển, Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới VIMC khắc phục mọi khó khăn, đổi mới chuyển đổi số, quản lý điều hành; tập trung mở rộng cảng biển nước sâu, đặc biệt là các dự án cảng trung chuyển; đầu tư đội tàu biển; thúc đẩy dịch vụ hàng hải để giảm chi phí logistics; mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao nguồn nhân lực logistics, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành tập đoàn hàng hải lớn trong nước và khu vực, thế giới.

Trước đó, báo cáo tại lễ kỷ niệm, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VIMC cho biết Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (trước đây là Vinalines) được thành lập ngày 29/4/1995 trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải. Khởi đầu với số vốn điều lệ khiêm tốn chưa đến 1.500 tỷ đồng và đội tàu gồm 49 chiếc với tuổi trung bình 21,5 năm, tổng trọng tải 400.000 DWT, khi đó Vinalines thậm chí không có bến cảng chuyên dụng, chỉ có vỏn vẹn 6.900m cầu bến.

“VIMC đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ thời kỳ đỉnh cao có lúc đội tàu lên tới 159 chiếc, tổng trọng tải gần 3,5 triệu DWT và chiếm 45% tổng tải trọng của đội tàu biển quốc gia khi đó. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã khiến tổng công ty phải đối diện với những thách thức khốc liệt, có lúc tưởng chừng đã đứng bên bờ vực phá sản,” ông Sơn thừa nhận.

Trong giai đoạn khó khăn đó, nhờ định hướng, chỉ đạo đúng đắn của Chính Phủ, sự hỗ trợ từ các cơ quan bộ ngành đã giúp VIMC dần vững tin vượt qua trở ngại, tổng công ty đã tái cấu trúc toàn diện, tiếp tục tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi: cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải nhưng tinh gọn hơn, hiệu lực hiệu quả hơn.

 Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VIMC cho biết tổng công ty cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VIMC cho biết tổng công ty cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Vinalines khi ấy đã dũng cảm cắt bỏ những gì không cần thiết, những doanh nghiệp thua lỗ, quyết liệt đổi mới phương thức quản trị, phương thức kinh doanh. Các công cụ điều hành mới, tư duy làm việc mới được áp dụng và quán triệt từ trên xuống dưới bám sát chiến lược “lấy khách hàng làm trung tâm.”

Bằng những giải pháp đột phá, VIMC đã từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Từ lúc vốn chủ sở hữu âm tới 4.600 tỷ đồng đã gia tăng lên mức 17.000 tỷ đồng. Hiện tại, VIMC đã chuyển mình trở thành doanh nghiệp đại chúng với giá trị vốn hóa đạt trên 100.000 tỷ đồng, quản lý hơn 16 cảng biển trọng điểm, chiếm gần 30% thị phần hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời sở hữu đội tàu vận tải biển với năng lực vận tải ngày càng được nâng cao.

“Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch Nước trao tặng là niềm động viên, khích lệ to lớn với toàn thể cán bộ nhân viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Chặng đường 30 năm không chỉ là hành trình phát triển, mà còn là quá trình thử thách và đổi mới. VIMC cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam,” ông Sơn nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-con-tau-vimc-da-vuot-song-vuon-xa-tien-vao-ky-nguyen-moi-post1037795.vnp