Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham dự phiên họp thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham dự phiên họp toàn thể tại hội trường.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham dự phiên họp toàn thể tại hội trường.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đề nghị:

Về mục tiêu giảm nghèo, Chính phủ cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nhất là các tỉnh có đông DTTS thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Từ đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại hội trường.

Đại biểu phân tích: “Theo báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở các huyện nghèo và DTTS đều đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn 17,82%, giảm 3,2%. Nhìn vào con số này, công tác xóa đói, giảm nghèo có tiến bộ, song qua giám sát và nắm tình hình, đời sống của đồng bào DTTS cho thấy còn rất nhiều khó khăn; giảm nghèo chưa thực sự bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp. Ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung còn thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chưa được giải quyết triệt để. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của nhân dân, trong đó thiệt hại của các hộ gia đình vùng DTTS&MN tương đối lớn do là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai”.

Cần có một cơ chế mạnh hơn nữa để thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, về tăng cường liên kết vùng, làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Đại biểu nhấn mạnh: Liên kết vùng là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và được nhắc đến trong các văn kiện ở các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội VIII đến Đại hội XIII. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có đề cập “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế..., thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, đảm bảo tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân”. Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, cụ thể hóa ban hành nhiều văn bản thúc đẩy liên kết vùng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, quy hoạch, chương trình kinh tế vùng đã được hình thành nhưng còn thiếu thể chế, chính sách liên kết vùng, chưa có cơ chế hiệu quả để tạo sự liên kết vùng. Cho đến nay, chưa có một văn bản ở cấp luật để thúc đẩy liên kết vùng”.

Về công tác đối ngoại, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù về hỗ trợ các địa phương nước ngoài có quan hệ hữu nghị đặc biệt là 3 nước: Lào, Cam Pu Chia và Cu Ba.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi nhất trí cao với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với nhiều hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, góp phần giữ vững cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Theo đó, Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Tổ quốc, có hơn 274km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước CHDCND Lào. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tại các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam - Lào, tỉnh Sơn La đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với 9 tỉnh Bắc Lào. Trong quá trình tổ chức các hoạt động hợp tác, các tỉnh nước bạn Lào đều đề nghị tỉnh Sơn La hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình như: nhà làm việc của lực lượng vũ trang khu vực cửa khẩu; nhà lớp học; hoạt động của Văn phòng Chính quyền…

Với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tỉnh Sơn La dù còn khó khăn nhưng có thể cân đối từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các tỉnh bạn Lào. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 38 Luật Ngân sách Nhà nước và khoản 5 Điều 14 Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định các khoản chi viện trợ nước ngoài thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương không có nhiệm vụ chi viện trợ nước ngoài. Việc hỗ trợ cho các tỉnh bạn Lào là thực sự cần thiết…, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ về đối ngoại”.

Phùng Hà - VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-son-la-tham-gia-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-kinh-te-xa-hoi-UIoCAMsSR.html