Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận các dự án luật quan trọng và một dự thảo nghị quyết

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 12-5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Dự thảo Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận góp ý kiến cho các nội dung này.

THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Theo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật liên quan đến 47/98 điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, trong đó tập trung vào 4 nhóm nội dung trọng tâm: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp; Sửa đổi các quy định liên quan đến việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử; Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản có nội dung liên quan đến công tác bầu cử... Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 được bố cục thành 2 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 47 điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Điều 2 là hiệu lực thi hành.

Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm và thảo luận sôi nổi tại buổi thảo luận. Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Đồng thời, nhất trí với phạm vi sửa đổi cũng như tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, còn một số vấn đề được đại biểu nêu ra để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Theo đó, các đại biểu đã có những phân tích chi tiết về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật lần này. Đồng thời, bày tỏ băn khoăn về quy định khu vực bỏ phiếu, đề nghị làm rõ "trường hợp cần thiết" để UBND cấp tỉnh điều chỉnh, xác định khu vực bỏ phiếu. Đồng thời, đại biểu cũng góp ý về số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã, cho rằng nên tăng lên ít nhất 20 người để đảm bảo hoạt động hiệu quả, đặc biệt ở những địa bàn rộng, cử tri đông.

Đại biểu cũng đồng tình với việc giao thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu cho UBND cấp xã khi cấp huyện không còn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ thời hạn xác định khu vực bỏ phiếu và cơ chế báo cáo, kiểm tra của UBND cấp tỉnh. Về việc chuyển hồ sơ ứng cử, đại biểu bày tỏ lo ngại về thời gian còn lại quá ngắn và đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, có thể giới hạn thời điểm được phép chuyển. Các đại biểu cũng cho rằng thời gian giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử 7 ngày là "quá ngắn" và đề nghị có cơ chế mở cho các vụ việc phức tạp. Đồng thời, phải tính toán kỹ lưỡng quy định về chuyển hồ sơ ứng cử viên sang đơn vị hành chính khác, thậm chí đề xuất "không nên quy định vấn đề này" để tránh xáo trộn công tác chuẩn bị bầu cử...

THẢO LUẬN NHIỀU DỰ ÁN LUẬT QUAN TRỌNG

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Góp ý vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo như hiện nay thì dữ liệu có thể xem như một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Vì vậy, rất cần có hành lang pháp lý cho hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu minh bạch, công khai, cũng như phải bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi thu thập, khai thác, mua bán, sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép. Đây được xem là một dự án luật khó, phức tạp và có nhiều nội dung mới. Nhiều đại biểu đề nghị cần thêm thời gian để thảo luận kỹ lưỡng, có thể xem xét thông qua trong hai kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu đã có những phân tích sâu sắc về quy định cấm mua bán dữ liệu cá nhân và cho rằng việc cấm tuyệt đối sẽ “thiếu linh hoạt” trong bối cảnh kinh tế số, nơi dữ liệu cá nhân đóng vai trò quan trọng. Dẫn chiếu kinh nghiệm quốc tế từ Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng "cấm mua bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật" để tạo sự linh hoạt, thúc đẩy kinh tế số và tương thích với thông lệ quốc tế.

Đại biểu cũng góp ý về mức xử phạt vi phạm, cho rằng việc tính theo tỷ lệ 1-5% doanh thu của năm liền kề là "chưa hợp lý" và có thể không công bằng giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau. Đại biểu đề nghị nên quy định mức phạt cụ thể hoặc để Luật Xử lý vi phạm hành chính điều chỉnh. Đại biểu cũng chỉ ra dự thảo luật mới chỉ đề cập xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, doanh nghiệp mà chưa có quy định đối với cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt rõ mục đích sử dụng thông tin, chỉ nên chống lại việc sử dụng thông tin cá nhân để gây hại. Đại biểu cũng đồng tình rằng việc xử phạt dựa trên doanh thu là không hợp lý và cần có mức trần; có thể nghiên cứu xử phạt theo "doanh thu của các hành vi vi phạm" chứ không phải toàn bộ doanh thu.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật tư pháp người chưa thành niên, Luật phá sản và Luật hòa giải đối thoại tại tòa, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Ban soạn thảo đã bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới và cũng bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn tập trung góp ý vào việc sửa đổi Luật Phá sản, đặc biệt là thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong giải quyết phúc thẩm vụ việc phá sản tại Luật Phá sản, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật pháp có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với Dự thảo Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cơ bản nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu. Một số ý kiến nhỏ đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi khi rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục bầu cử.

Nhìn chung, buổi thảo luận tổ đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ý kiến đóng góp đa dạng, phong phú, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của các dự án luật, nghị quyết, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện các văn bản pháp luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-thao-luan-cac-du-an-luat-quan-trong-va-mot-du-thao-nghi-quyet-1042335/