ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG VỀ THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Sáng 31/7, tại Nghệ An, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó trưởng Đoàn giám sát làm Trưởng Đoàn công tác số 2 đã có buổi làm việc với huyện Tương Dương về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN NGUYÊN BÌNH (CAO BẰNG) VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc về phía Quốc hội có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan; đại diện các Ủy ban của Quốc hội là thành viên Đoàn giám sát; Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Tổ giúp việc của Đoàn giám sát…

Về phía địa phương có: đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, huyện Tương Dương và UBND xã Yên Hòa cùng các sở, ngành liên quan…

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cho biết, Tương Dương là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có 4 xã giáp biên giới, có 17 xã, thị trấn, 06 dân tộc sống trên địa bàn (là Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu), điều kiện kinh tế khó khăn, là huyện nghèo được thụ hưởng các chế độ chính sách thuộc 3 Chương trình MTQG của Chính phủ. Toàn huyện có 6.232 hộ nghèo, chiếm 34,03%.

Nhìn chung, việc triển khai các CTMTQG trên địa bàn huyện được tiến hành kịp thời, đầy đủ, bám sát các nội dung văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, trong 2 năm 2022 - 2023, huyện Tương Dương tập trung thực hiện 10 dự án liên quan đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và công tác truyền thông. Riêng CTMTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Tương Dương trong 2 năm 2021 - 2022 được đánh giá có hiệu quả, trong đó các dự án đã hỗ trợ kịp thời sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân khu vực vùng sâu, biên giới…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các Chương trình còn có khó khăn, lúng túng do chờ hướng dẫn của cấp trên đối với từng dự án, nội dung, nhất là trong triển khai CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình hơn 34 tỷ đồng. Nổi bật nhất là người dân đã tự bỏ vốn để trồng rừng, trồng sắn cao sản trở thành mô hình liên kết sản xuất lớn. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh,với phương châm huy động sức dân là chính để tu bổ và làm mới nhiều tuyến đường tới các bản vùng sâu, vùng xa của các xã biên giới. Công tác ra quân làm đường giao thông nông thôn đầu năm 2021, 2022 và 6 tháng năm 2023 được các xã quan tâm ra quân đồng loạt thực thiện xây dựng và tu bổ 427 tuyến với hơn 68 km. Trong năm 2022, huyện đã giải ngân được 14,8% kế hoạch vốn đầu tư phát triển, 2,9% kế hoạch vốn sự nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện đã có 04 xã về đích nông thôn mới.

Đối với CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, năm 2022, huyện đã giải ngân được 9,11% kế hoạch vốn đầu tư phát triển và 4,58% kế hoạch vốn sự nghiệp. Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, năm 2022 huyện giải ngân được 7,66% kế hoạch vốn đầu tư phát triển và 18,85% kế hoạch vốn sự nghiệp.

Trước đó, đại diện lãnh đạo UBND xã Yên Hòa (huyện Tương Dương) cũng báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn xã.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, kết quả của CTMTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN có được là kết quả của cả quá trình từ năm 2022 trở về trước, bởi từ đầu năm đến nay huyện chưa giải ngân được đồng nào; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra với 5,155% (Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 của huyện đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 4-5%). Từ đó, Đoàn giám sát đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện Tương Dương làm rõ việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình để thực hiện các dự án, tiểu dự án; nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Đoàn giám sát đề nghị huyện Tương Dương chia sẻ giải pháp giảm nghèo, trong đó đề nghị cho biết việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn; việc đầu tư hạ tầng (giao thông, y tế, nước sinh hoạt, trường học...); quy trình bình xét hộ nghèo để thực hiện các chế độ, chính sách..

Trả lời các vấn đề thành viên Đoàn giám sát quan tâm, lãnh đạo huyện Tương Dương đề xuất một số nội dung đề nghị các Bộ, ngành xem xét. Đó là điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ xây mới nhà ở 80 triệu đồng/hộ; sửa chữa 40 triệu đồng/hộ thay cho mức hỗ trợ xây dựng mới 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ như hiện nay. Huyện đề xuất nâng mức hỗ trợ kinh phí nước sinh hoạt phân tán từ 3 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ.

Lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, thực tế nhiều xã, bản mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới song tình hình phát triển kinh tế - xã hội chưa cải thiện nhiều, nhân dân vẫn còn chưa có thu nhập ổn định, vẫn cần những cơ chế, chính sách nhằm dẫn dắt, định hướng bà con nhân dân thoát nghèo, xây dựng phát triển kinh tế. Vì vậy huyện đề xuất chưa cắt giảm ngay các chế độ chính sách của người dân và học sinh đối với các xã đã về đích.

Để đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng, lãnh đạo huyện Tương Dương đề nghị Bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung các nội dung hỗ trợ thực hiện tiểu dự án: Hỗ trợ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng; hỗ trợ cây, con giống cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng để cải thiện sinh kế...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn Giám sát cho biết, với mong muốn được lắng nghe ý kiến từ cơ sở để nắm tình hình chính sách pháp luật trong thực tiễn về những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, cách tổ chức triển khai thực hiện để từ đó có tổng kết, đánh giá để phát huy hoặc điều chỉnh, ban hành chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển.

Chia sẻ với nhiều khó khăn mà huyện nghèo Tương Dương gặp phải, Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân trên địa bàn huyện Tương Dương để đạt được kết quả quan trọng. Trong đó, huyện cũng như các xã đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Tương Dương cần phải quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chung tay thực hiện các Chương trình, nhất là các mô hình sinh kế, ổn định cuộc sống, tránh tái nghèo.

Là địa bàn khó khăn được thụ hưởng chính sách từ 3 Chương trình MTQG, nếu như với tiến độ giải ngân như hiện nay thì dễ dẫn đến nguy cơ mất nguồn lực để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn. Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị địa phương cần có giải pháp quyết liệt, thúc đẩy nhanh giải ngân vốn để thực hiện hiệu quả các Chương trình trong năm 2023.

Với các kiến nghị của huyện, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận và tổng hợp đầy đủ để báo cáo với Quốc hội, Chính phủ và thông tin tới các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.

Trước đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tặng quà cho 15 hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tương Dương./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Ông Lô Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn.

Ông Lô Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc.

Ông Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương giải trình làm rõ các vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trao quà cho đại diện lãnh đạo UBND huyện Tương Dương và lãnh đạo UBND xã Yên Hòa.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trao quà cho đại diện lãnh đạo UBND huyện Tương Dương và lãnh đạo UBND xã Yên Hòa.

Đoàn giám sát của Quốc hội tặng quà cho các hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện Tương Dương./.

Đoàn giám sát của Quốc hội tặng quà cho các hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện Tương Dương./.

Bích Ngọc - Thanh Hải

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78482