Đoàn kết - Ý nghĩa và sự tìm lại
Hầu như các cộng đồng, dân tộc và quốc gia đều có chung nhận thức về sự đoàn kết và ý nghĩa của nó. Do vậy, con người mà nhất là người lãnh đạo thường kêu gọi người thuộc quyền của mình nên giữ gìn, tăng cường sự đoàn kết. Nhờ đó, mỗi người có thể thuộc lòng ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về những giá trị của nó. Nhưng khi đào sâu tìm hiểu những lời kêu gọi đoàn kết, chúng ta mới “ngộ” ra rằng sự rạn nứt đã xuất hiện ngay chính bên trong của cộng đồng ấy. Một lần nữa, việc “giải mã” này càng có ý nghĩa lớn.
Đoàn kết là sự tập hợp thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì mục đích chung. Còn đại đoàn kết là nhấn mạnh đến quy mô của nó. Trái ngược với đoàn kết là chia rẽ, phân ly. Cũng giống nhiều nội dung khác, sự kêu gọi về một vấn đề nào đó là do tầm quan trọng của nó và ngược lại bởi tính thiếu hụt, mất mát. Đoàn kết không phải ngoại lệ. Chúng ta có thể nhận diện điều ấy trên hai phương diện chính:
Ý nghĩa của đoàn kết
Bản thân khái niệm đoàn kết đã cho ta thấy ý nghĩa và sức mạnh của nó. Không riêng Việt Nam, ý nghĩa đoàn kết có tính phổ quát trên toàn thế giới. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thành ngữ Đức: “An individual’s effort is addition; a team’s effort is is multiplication” (tạm dịch: nỗ lực của mỗi cá nhân là phép cộng, nỗ lực của đội là phép nhân). Thành ngữ Phi: “One single pillar is not sufficient to build a house” (Một trụ cột không đủ để xây nhà). Thành ngữ Ả Rập: “If you want to walk fast, walk alone; if you want to walk far, walk together” (Nếu bạn muốn đi nhanh, đi một mình; nếu bạn muốn đi xa, đi cùng nhau)...
Ở Việt Nam, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lời của một bài hát cách mạng được nhiều người cất cao: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững...”. Thấu hiểu về tính quý hiếm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Và, khi từ biệt để “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các bậc đàn anh”, Người nhắc nhở: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của Dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Có thể thấy, từ người dân thường đến lãnh đạo nhà nước (lãnh tụ chính trị), hầu như nhận ra sức mạnh của sự đoàn kết nên xúc tiến hình thành những tổ chức (khối). Họ lập ra tổ chức đơn giản nhất như câu lạc bộ (club), tổ chức ở các cấp độ địa phương, vùng, quốc gia, khối, châu lục và quốc tế rộng lớn. Trên cơ sở tổ chức, người lãnh đạo xây dựng các thiết chế để tạo thành một khối thống nhất. Nhưng, bên cạnh ý nghĩa cao quý ấy, tiếng kêu “đoàn kết” bộc lộ sự thiếu hụt của nó.
Không có hoặc để mất
Hãy bình tâm xem xét về quy luật tâm lý con người để có thể hiểu rõ hơn một sự kiện. Khi con người kêu gọi, kêu gào về một vấn đề nào đó thì bản thân nó bị mất hoặc bị thiếu hụt. Người ta hô hào về vệ sinh chính là lúc bị nhiều ô nhiễm, phát động tăng cường thể dục vì cộng đồng có thể lực yếu, tuyên truyền tiết kiệm bởi quá lãng phí, đòi thiết lập kỷ cương do để mất trật tự, muốn giành lấy dân chủ vì trải qua nỗi áp bức của cường quyền, thiết tha hòa bình từ chiến tranh tàn phá...
Sự đoàn kết cũng không ngoại lệ. Khi có sự rạn nứt trong nội bộ, cộng đồng thì người ta tìm kiếm, hàn gắn. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi mở thêm nhận định này. Người viết: “... là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu về sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ đoàn kết lại”.
Như một kết quả tất yếu “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” mà thành ngữ Việt Nam đã chỉ ra, Liên bang Xô - Viết và một số quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, sụp đổ là hệ quả của bất đồng, mâu thuẫn nội bộ Khối xã hội chủ nghĩa. Soi lại các bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam cũng chứng minh bài học “xương máu” về sự đoàn kết và chia rẽ. Đoàn kết là tài sản vô hình quý báu và khi mất đi, người ta thúc giục tìm kiếm, hàn gắn và xây dựng lại.
Con người nói chung, người thủ lĩnh nói riêng đều có nhận thức đúng về tính “vạn năng” của sự đoàn kết. Nhưng, người ta kêu gọi đoàn kết chẳng phải bởi chỉ duy nhất giá trị của nó, mà còn phản ánh một sự thật cay đắng là “tài sản” ấy đã không còn được nguyên vẹn. Dù thế nào đi nữa, tiếng kêu ấy đã, đang và sẽ cảnh tỉnh mỗi người và loài người - “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/doan-ket-y-nghia-va-su-tim-lai-130704.aspx