Đoàn thanh niên với mô hình 'Ba liên kết': Kỳ 1: Nâng cao vai trò dẫn dắt phong trào
Trước yêu cầu chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã xác định chủ trương '3 liên kết' (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng) nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Tại tỉnh ta, mô hình 'Ba liên kết', tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất trong tổ chức các hoạt động Đoàn thanh niên.

Lễ khánh thành Trường đẹp cho em tại xã Chiềng Công, huyện Mường La. Ảnh: PV
Những dấu ấn từ cơ sở
Theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, chủ trương “3 liên kết” được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tập trung thực hiện trong xác định đối tượng, địa bàn, nội dung và phương thức triển khai của từng chương trình, chiến dịch tình nguyện, nhằm đảm bảo liên kết lực lượng: giữa thanh niên với nông dân, công nhân, phụ nữ, công an, quân đội…; liên kết địa bàn: giữa các địa bàn khu vực nông thôn, đô thị, vùng, miền, địa phương; liên kết cộng đồng: giữa tổ chức Đoàn với các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tự phát, các tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, chủ trương được triển khai nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện, tính năng động, sáng tạo của các cấp bộ Đoàn - Hội và đoàn viên, thanh niên trong việc phối hợp kết nối, huy động các nguồn lực để triển khai các hoạt động tình nguyện an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng và chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn; tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động chăm lo, đồng hành và phát huy thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; triển khai, thực hiện các công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Đại diện Đoàn thanh niên Văn phòng Trung ương Đảng chuyển trao công trình “Ánh sáng núi rừng”.
Ông Lò Mạnh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn triển khai mô hình “Ba liên kết” gắn với từng chương trình, chiến dịch lớn, như: Tình nguyện mùa đông - Xuân tình nguyện, Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tháng Ba biên giới... Trong đó, các hoạt động thiết kế theo hướng chuyên sâu, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các khối, các cụm thi đua. Đồng thời, đề cao vai trò của lực lượng nòng cốt là cán bộ Đoàn cơ sở, các đội hình thanh niên tình nguyện.
Tiêu biểu triển khai mô hình “Ba liên kết”, là công trình Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Kháng tại bản Pá Mồng Pá Pù, xã Nậm Giôn, huyện Mường La. Với tổng diện tích hơn 145 m², công trình được xây dựng theo kiến trúc truyền thống nhà sàn, là nơi sinh hoạt văn hóa, lưu giữ bản sắc dân tộc, đồng thời phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi cho thanh thiếu nhi. Công trình có tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, được triển khai trong khuôn khổ chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” do Trung ương Đoàn và Sacombank phối hợp thực hiện. Đây là minh chứng rõ nét cho khả năng điều phối hiệu quả từ cấp Trung ương đến địa phương, tạo nên sản phẩm xã hội có chiều sâu, bền vững.

Khởi công công trình Ngôi nhà hạnh phúc tại bản Huổi Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn.
Ông Lò Văn Học, Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, huyện Mường La cho biết: Công trình là nơi để đồng bào dân tộc Kháng trên địa bàn tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giao lưu, trao truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống giữa các thế hệ. Công trình, không chỉ có giá trị vật chất, còn là biểu tượng của sự đoàn kết, đồng lòng giữa chính quyền, nhân dân và lực lượng thanh niên trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Từ định hướng chiến lược, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh chủ động triển khai hiệu quả hàng trăm hoạt động tình nguyện. Từ năm 2023 đến quý I/2025, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tham gia xây dựng 520 công trình thanh niên, gồm 65 km đường giao thông nông thôn, 25 công trình ánh sáng bản làng, 7 công trình thắp sáng đường biên, 32 công trình trường đẹp cho em, 14 ngôi nhà hạnh phúc, 2 cầu dân sinh, 45 sân chơi thiếu nhi, 12 nhà vệ sinh cho em...

Công trình Ánh sáng bản làng tại bản Nong La, xã Chiềng Ngần, Thành phố.
Với phương châm “Ở đâu khó, ở đó có thanh niên”, tổ chức Đoàn chủ động phối hợp với các tổ chức xã hội, câu lạc bộ, tổ đội, nhóm thiện nguyện và người dân địa phương để phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ. Nổi bật, mô hình “Thắp sáng đường biên” được triển khai tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn... Việc lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời các tuyến đường biên giới, không chỉ đảm bảo an ninh, quốc phòng, còn giúp người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Gắn kết và lan tỏa
Đầu năm 2025, tại bản Nong La, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, Thành đoàn Sơn La phối hợp với Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Sơn La và các chi đoàn Ngân hàng BIDV Sơn La, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Sơn La triển khai lắp đặt mô hình “Ánh sáng bản làng”. ĐVTN các đơn vị, đã lắp đặt 17 cột bóng điện năng lượng mặt trời, mỗi bóng đèn Led có công suất 300W dọc tuyến đường nội bản dài hơn 800m. Tổng kinh phí đầu tư gần 25 triệu đồng, do các đơn vị đóng góp. Anh Quàng Văn Trọng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nong La, cho biết: Bản Nong La có 84 hộ, 405 nhân khẩu. Tuyến “Ánh sáng bản làng” được lắp đặt, đã nối tiếp với trục đường chính của bản, kết nối 32 cột đèn đã có từ trước, tạo nên một tuyến chiếu sáng liên hoàn, đồng bộ. Bà con trong bản vui mừng, phấn khởi. Nhờ có ánh sáng, tình hình an ninh trật tự đảm bảo, người dân đi lại an toàn, thuận tiện vào buổi tối.
Ngoài ra, các công trình nhân đạo như “Ngôi nhà hạnh phúc” dành cho các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa, đang được các cấp bộ đoàn phối hợp xây dựng. Tại xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, hai “Ngôi nhà hạnh phúc” được xây dựng dành cho em Giàng Thị Của, sinh năm 2022 và em Vàng Đại Quang, sinh năm 2019, những em nhỏ mồ côi cha trong đợt bão số 2 năm 2024 gây ra. Mỗi căn nhà có tổng kinh phí 80 triệu đồng, được huy động từ các nguồn lực thiện nguyện và công sức đóng góp của ĐVTN địa phương. Chị Vừ Thị Vá, mẹ em Giàng Thị Của xúc động: Mưa bão đã cướp đi người chồng và ngôi nhà. Sau đó, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đoàn viên thanh niên. Giờ đây, mẹ con tôi đã có căn nhà kiên cố để ở, tôi cố gắng lao động, sản xuất, nuôi con khôn lớn.

Công trình cầu dân sinh khu Pá Khôm, bản Pá Kạch, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp được đưa vào sử dụng.
Liên kết cộng đồng, không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, còn là sự sẻ chia, lan tỏa yêu thương và nâng cao tinh thần chủ động của mỗi người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa, xã hội. Thông qua tổ chức Đoàn, công trình “Trường đẹp cho em” tại bản Mo, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Điểm trường được xây dựng lại, giúp các em nhỏ có chỗ học khang trang, an toàn và làm tăng thêm sự tin tưởng của bà con vào tổ chức Đoàn và chính quyền. Cô giáo Phạm Thị Luyến, giáo viên điểm trường bản Mo, xã Chiềng Khương, cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lũ, 23 học sinh tại điểm trường bản Mo phải học tạm trong nhà văn hóa bản suốt hai năm liền trong điều kiện thiếu thốn. Trước thực trạng đó, Tỉnh đoàn Sơn La đã kêu gọi, phối hợp với các đơn vị tài trợ, huy động nguồn lực từ cộng đồng xây dựng ngôi trường mới vững chắc, phù hợp điều kiện địa phương. Có lớp học mới, bà con quan tâm hơn đến việc học của con em mình, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng trường lớp như trồng hoa, đổ bê tông sân, làm các mô hình học tập ngoài trời.

Học sinh tại Điểm trường mầm non bản Mo, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã trong giờ học trải nghiệm.
Bằng những mô hình phối hợp cụ thể, thiết thực, các hoạt động của tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng gắn bó với thực tiễn, nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng được phát huy mạnh mẽ, góp phần xây dựng xã hội vững mạnh, phát triển bền vững.
(Còn nữa)