Doanh nghiệp cần tận dụng các FTA để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Việc Hoa Kỳ công bố sẽ áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng hóa nhập khẩu vào nước này đang đặt ra những thách thức lớn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp cần tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và đã có hiệu lực để khai thác, mở rộng thị trường.
Việc Hoa Kỳ công bố sẽ áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng hóa nhập khẩu vào nước này đang đặt ra những thách thức lớn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trong khó khăn luôn có cơ hội để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Doanh nghiệp cần tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và đã có hiệu lực để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm giảm phụ thuộc một số thị trường truyền thống.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt trên 9 tỷ USD. Việc Hoa Kỳ đưa ra chính sách thuế đối ứng ở mức cao đối với hàng hóa xuất khẩu của nhiều nước trong đó có Việt Nam, mặc dù đang trong quá trình đàm phán, song cũng đòi hỏi cần có những bước đi chủ động để tránh những rủi ro cho nền kinh tế và doanh nghiệp - khi kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trước bối cảnh biến động doanh nghiệp cần từ tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí đầu vào để nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, tranh thủ việc Hoa Kỳ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong thời gian 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại (nghĩa là cho đến ngày 9/7 tới đây) nên May 10 đã và đang tập trung cao độ, dồn toàn lực cho sản xuất hoàn thành các đơn hàng để kịp giao hàng vào cuối tháng 6 theo đề nghị của đối tác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang tập trung các giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài, từ tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí đầu vào để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động đến tìm kiếm thị trường cho phát triển bền vững.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 biết: "Hiện nay chúng tôi phải dồn toàn lực sản xuất tất cả các đơn hàng. Thứ hai nữa về dài hạn, chúng tôi phải tìm kiếm nhiều hơn những thị trường mới ngoài thị trường Mỹ. Tổng Công ty may 10 từ trước nay đều luôn luôn cân bằng ba thị trường lớn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những thị trường nhỏ khác như thị trường Canada, Asean, Đài Loan, Quốc và gần đây đã xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ… Đấy cũng là một trong những giải pháp về dài hạn để chia sẻ rủi ro khi gặp khó khăn của bất kỳ một thị trường nào thì doanh nghiệp có những thị trường khác hỗ trợ bù đắp vào".
Việc Hoa Kỳ tạm hoãn thuế 90 ngày và áp mức 10% trong thời gian đàm phán tạo cơ hội cho các nước thương thảo. Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương), cùng với phương án thương thảo với Hoa Kỳ để đạt kết quả tốt nhất, Việt Nam cũng cần chủ động các giải pháp để đạt được tăng trưởng xuất khẩu cao, xuất khẩu bền vững.
Trong đó, doanh nghiệp cần quyết liệt khai thác hiệu quả các FTA hiện có, nhất là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao để đa dạng hóa, mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống và thích nghi với những chuẩn mực thương mại quốc tế ngày càng cao.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang dồn toàn lực cho sản xuất hoàn thành các đơn hàng để kịp giao hàng vào cuối tháng 6 theo đề nghị của đối tác
Ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị: "Để các doanh nghiệp có thể tận dụng được các FTA cần phải nâng cao được nhận thức về FTA, phải tìm hiểu các nội dung, về quy chế xuất xứ như thế nào, quy định thuế quan về tiêu chuẩn kỹ thuật, về các cam kết phi thương mại như: lao động, môi trường, phát triển bền vững trong từng FTA khác nhau. Doanh nghiệp cần tham dự những khóa học để nắm bắt thông tin và cách thức tận dụng những ưu đãi của các FTA đem lại, cập nhật thông tin để cảnh báo sớm với đối với các vụ việc phòng vệ thương mại từ Bộ Công thương, hay từ các cơ quan liên quan. Cùng với đó, tối ưu hóa quy tắc xuất xứ nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan".
Tính đến nay Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán tổng cộng 20 FTA, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực thực thi, với nhiều FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Các FTA này đã mở ra thị trường rộng lớn với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu. Theo ông Trịnh Minh Anh, đây thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, song, để có được thành công, doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ... và chủ động nghiên cứu các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường trong từng FTA.