Doanh nghiệp chủ động đưa công nghệ vào phát triển bền vững

Công nghệ đang được đánh giá là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Con đường bắt buộc với doanh nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo “Diễn đàn ngành, tăng tốc phát triển bền vững” diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến mới đây, các chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững đang là một trong những “từ khóa” quan trọng, trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng này không chỉ thu hút sự quan tâm, tham gia của Chính phủ các quốc gia mà còn thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phạm Hoài Trung trình bày tại hội thảo về phát triển bền vững. Ảnh: NH

Ông Phạm Hoài Trung trình bày tại hội thảo về phát triển bền vững. Ảnh: NH

Theo Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu đã quyết định tháng 6/2026 là thời điểm các công ty có trụ sở bên ngoài châu Âu buộc phải tuân thủ chỉ thị báo cáo phát triển bền vững (CSRD) cho các nhóm ngành, bao gồm: Dầu khí, khoáng sản, vận tải đường bộ, thực phẩm, xe hơi, nông nghiệp, dệt may. Đây là các nhóm ngành có tiêu chuẩn báo cáo riêng, có tác động đáng kể đến môi trường.

Bên cạnh đó, Chỉ thị về thẩm định phù hợp về tính bền vững (CSDDD) của EU cũng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25/7/2024, yêu cầu các công ty phải tiến hành thẩm định kỹ lưỡng về tác động của họ đối với quyền con người và môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Không chỉ EU, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cũng quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững và có những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn này đối với hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia của họ.

Xu hướng và yêu cầu mới về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm đến phát triển bền vững, coi đây là con đường tất yếu, bắt buộc nếu muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Raymond Wang - Chủ tịch SSBTi - một tổ chức phi lợi nhuận của quốc tế về tác động môi trường, hoạt động nhằm giúp chuỗi cung ứng giải quyết các sáng kiến về công bố carbon và mục tiêu dựa trên khoa học cho rằng: Trong bối cảnh việc thực hành và báo cáo phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG (môi trường – xã hội - quản trị) ngày càng trở nên quan trọng trong việc tích hợp vào các chiến lược, chính sách phát triển của các doanh nghiệp.

Các chỉ thị thẩm định và báo cáo phát triển bền vững ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi có sự tham gia của toàn bộ mắt xích trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam có liên quan cần theo dõi sát và sớm nắm bắt các yêu cầu tuân thủ để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, duy trì tính cạnh tranh, phát triển mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp châu Âu, cũng như có các kế hoạch ứng phó với những thay đổi.

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Phát triển bền vững nhờ ứng dụng công nghệ

Có thể nói, câu hỏi đang đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là, làm sao để phát triển bền vững và có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu?.

Liên quan đến vấn đề này, ông Raymond Wang cho rằng: Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng liên quan đến phát triển bền vững. Do vậy, cần một phương pháp cốt lõi giúp doanh nghiệp linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu khác nhau, tránh lãng phí nguồn lực khi phải tuân thủ riêng lẻ từng quy định hay tiêu chuẩn.

Hiểu được thách thức này, SSBTi đã ra mắt nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề và khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và tính toán của các nhà cung ứng, đặc biệt trong thu thập dữ liệu chất lượng cao về phát thải thượng nguồn và hạ nguồn. Cốt lõi của nền tảng SSBTi là các dữ liệu gốc sẽ được chuyển đổi tương thích với toàn chuỗi cung ứng.

SSBTi. đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp phát triển bền vững với trường đại học và các công ty phần mềm hàng đầu châu Á để phát triển các phương pháp tạo ra các nền tảng dữ liệu dấu chân carbon (CFP) cho các địa phương. Đồng thời đưa ra nền tảng phần mềm mở theo vòng đời sản phẩm để kết nối các dữ liệu của châu Âu và châu Á dựa trên Nghị định thư Khí nhà kính.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hoài Trung – Chuyên gia quản lý khí nhà kính, biến đổi khí hậu và trung hòa carbon, cô vấn cho SSBTi Việt Nam, Chủ tịch Công ty Công nghệ Azitech và tư vấn hỗ trợ thực hành phát triển bền vững GreenGo cho rằng: Một trong những yêu cầu quan trọng cần đưa vào trong các báo cáo phát triển bền vững là quá trình xác định lượng carbon phát thải ra trên từng đơn vị sản phẩm được sản xuất ra (CFP). Trong đó, việc tiêu thụ năng lượng chiếm một tỷ trọng lớn và mang tính trọng yếu. Điều này yêu cầu doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược quản lý năng lượng có hiệu quả và các giải pháp IoT để thu thập các dữ liệu tiêu thụ điện năng của 3EGREEN là rất cần thiết.

Giải pháp của 3EGREEN hướng vào việc quản lý và đo lường năng lượng liên tục, quản lý thiết bị và phát thải carbon. Các ưu điểm của giải pháp 3EGREEN có ưu điểm dễ lắp đặt, chi phí đầu tư thấp, không yêu cầu cần phải có hệ thống dây vật lý để kết nối, dễ dàng thu thập dữ liệu từ các nguồn tiêu thụ năng lượng đáng kể (SEUs) ở nhiều phạm vi ranh giới khác nhau, thuận tiện cho công tác bảo hành bảo trì, dễ dàng thích ứng trong nhu cầu phát sinh của doanh nghiệp liên quan đến việc cần phải thay đổi thiết kế, bố trí lại mặt bằng dây chuyền, mở rộng phạm vi sản xuất… Đặc biệt có thể tiết kiệm được 20-30% năng lượng được sử dụng.

Còn theo TS Kenneth S Chan – Chuyên gia, nhà lãnh đạo trong lĩnh vực sản xuất thông minh và chuyển đổi số cũng giới thiệu “Nền tảng dấu chân A1” với một hệ thống nhà máy thông minh, hệ thống này đã được triển khai thành công cho hơn 100 công ty tại Mỹ, Australia, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.

Theo TS Kenneth S Chan, nền tảng “Dấu chân A1” để theo dõi và hiển thị mọi dấu chân carbon (CFP) theo thời gian thực với sự hỗ trợ của việc tích hợp hệ thống ERP. Mục đích chính của ERP là hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chiến lược, nâng cao hiệu xuất vận hành, giảm chí phí và tạo ra các sự tương tác và hợp tác chặt chẽ.

Hội thảo “Diễn đàn ngành, tăng tốc phát triển bền vững” thảo luận nhiều vấn đề đang nhận được sự quan tâm trên toàn cầu như: Tài chính xanh, các giải pháp công nghệ thông minh bền vững và sản xuất bền vững… là kênh tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong xây dựng chính sách phát triển bền vững.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-chu-dong-dua-cong-nghe-vao-phat-trien-ben-vung-370013.html