Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 'bắt tay' để lớn mạnh

Năm 2023, TP. Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Để làm được điều này, việc kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn rất quan trọng trong việc đảm bảo tiêu thụ linh phụ kiện lẫn nhau, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tìm kiếm đối tác…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết năm 2022, toàn Thành phố có khoảng 900 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp đã có những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu

Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của TP.Hà Nội vẫn bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.

Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD. Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT (MBT) cho hay, doanh nghiệp này đã đầu tư 15 triệu USD để nâng cấp máy móc sản xuất. Các dây chuyền sản xuất tự động, từ gập sóng và hàn kín cánh tự động đến máy cắt tôn tự động Bollina, máy quấn cao thế, máy quấn hạ thế, máy cắt lõi Unicore, máy đột dập Amada, máy cắt laser, phòng thử nghiệm độc lập… được bố trí hợp lý, gọn gàng. Mỗi dây chuyền chỉ có khoảng 1 - 2 người điều khiển máy.

Song khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải được Giám đốc MBT chỉ ra rằng, hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho tới máy móc thiết bị của MBT có loại giá thành lên tới chục triệu USD đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, bởi chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu 100% các nguyên liệu chính từ nước ngoài. Giá 1 ốc vít mà doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có thể chỉ 1.000 đồng, nhưng MBT vẫn phải trả 1,5 USD/sản phẩm để mua từ nước ngoài để đạt chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế doanh nghiệp phải chấp nhận.

Phát huy vai trò 'bà mối’ trong kết nối

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho biết, hiện không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao. Vấn đề là các doanh nghiệp này chưa kết nối được với nhau nên cần sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước.

Do đó, phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023. Với trách nhiệm của mình, HANSIBA nỗ lực giúp cho các doanh nghiệp cùng phát triển bằng việc kết nối các doanh nghiệp có được bạn hàng trong nước và quốc tế.

Hiệp hội đang tiếp tục phát triển hội viên, quy tụ các doanh nghiệp đã đang và sẽ tham gia hiệp hội để hiểu rõ năng lực cũng như nhu cầu của mỗi hội viên trong từng lĩnh vực để kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn, chính sách đất đai, vật tư thiết bị đầu vào, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từng bước đẩy mạnh hoạt động công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội cũng như cả nước.

TP.Hà Nội phấn đấu có khoảng 350 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

TP.Hà Nội phấn đấu có khoảng 350 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Vân cho biết thêm, hiện HANSIBA đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp; mặt khác sinh viên các trường có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.

“Hiệp hội coi đây là sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các doanh nghiệp, là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung - cầu về nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ trước mắt cũng như lâu dài”, ông Nguyễn Vân nhận định.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội năm 2023. Trong đó, phấn đấu năm 2023, TP. Hà Nội có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Để đạt mục tiêu này trong năm 2023, TP. Hà Nội cho biết sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Đồng thời tổ chức hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2023 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quốc tế đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan... tham gia giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đã được Sở Công Thương Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất. Đơn cử các doanh nghiệp như: TOMECO, PMTT Group, HIKARI P&T, INDEMA, ốc vít Brother, Trí Cường, cơ khí Hà Nội CNC… đã duy trì được sự tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các đơn hàng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh... Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-ha-noi-bat-tay-de-lon-manh-1093834.html