Doanh nghiệp công nghiệp nông thôn: Chi phí sản xuất tăng không dưới 10%

Chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp nông thôn sản xuất lợi nhuận thấp, thậm chí không có lãi.

Chia sẻ về những khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, ông Dương Văn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạt Thủy (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) - đơn vị có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021, cho biết: Những tháng đầu năm 2022, giá dầu đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước, kéo theo chi phí vận chuyển tăng cao. Những yếu tố này sẽ cộng vào giá thành sản xuất, ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp. “Chúng tôi đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn, duy trì sản xuất và rất khó đảm bảo lợi nhuận”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạt Thủy chia sẻ.

Công ty TNHH MTV Đạt Thủy là đơn vị chế biến, tiêu thụ nông sản tiêu biểu của tỉnh Sơn La. Quả macca sấy của Đạt Thủy đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chủ yếu qua các đại lý lớn trên địa bàn TP. Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… Năm 2021, quả macca sấy của doanh nghiệp đã được Hội đồng bình chọn của Bộ Công Thương bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Chia sẻ về thành quả này, ông Dương Văn Đạt nhấn mạnh: Qua mỗi lần tham gia bình chọn các cấp và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một lần sản phẩm của công ty tăng uy tín với khách hàng. Đây cũng là lực đẩy cho doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, đầu tư, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện và đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường.

Quả macca sấy không phải là sản phẩm mới, tuy nhiên Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạt Thủy rất tự tin về sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường. Bởi lẽ, ngay từ thời điểm mới đầu tư, doanh nghiệp đã chú trọng thiết bị công nghệ mới đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với hệ thống sấy 100% trong nhà kính và bằng nhiệt sạch. Sấy xong sản phẩm được bảo quản trong kho lạnh.

Chi phí sản xuất tăng cao khiến doanh nghiệp sản xuất với lợi nhuận rất thấp

Chi phí sản xuất tăng cao khiến doanh nghiệp sản xuất với lợi nhuận rất thấp

“Trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Cho dù mức hỗ trợ vẫn còn rất hạn chế trong tổng vốn đầu tư nhưng đã động viên, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Dương Văn Đạt nói.

Cùng với chương trình khuyến công, trong quá trình phát triển doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể khác từ Sở Công Thương tỉnh Sơn La, nhất là trong lĩnh vực quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp được tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trong năm 2020 và 2021 tham gia nhiều sự kiện giao thương trực tuyến.

Tuy nhiên, ông Dương Văn Đạt cũng chia sẻ: Kết nối trực tiếp vẫn là phương thức phù hợp với ngành nông sản nói chung và Đạt Thủy nói riêng. Đối tác quen với phương thức giao dịch trực tiếp, kiểm tra chất lượng sản phẩm sau mới ký kết hợp đồng. Do vậy, ông đề xuất: Các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, cung cấp thêm thông tin thị trường giúp doanh nghiệp kết nối thêm đối tác.

Với phương thức kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, không chỉ riêng Đạt Thủy mà tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp công nghiệp nông thôn là hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, thiếu nhân lực có chuyên môn. Các cơ quan chức năng hỗ trợ tháo nút thắt này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác được cơ hội kinh doanh mới.

Do thị trường đã thuận lợi hơn, doanh nghiệp đang lên kế mở rộng vùng nguyên liệu để tăng quy mô đầu vào, đồng thời lên phương án tiếp cận tất cả các thị trường mới. Đặc biệt, công ty đã tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm macca trên địa bàn tỉnh Sơn La để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho sản xuất, hướng tới xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sang thị trường có sức tiêu thụ lớn.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 100ha diện tích trồng cây macca đã cho thu hoạch và chưa đáp ứng được nhu cầu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Riêng Đạt Thủy, năm 2021 đã mua thêm 20 tấn macca khô từ Tây Nguyên để chế biến và tiêu thụ. Việc liên kết chuỗi sản xuất là định hướng tốt không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, mà còn bao tiêu đầu ra cho bà con vùng trồng.

Quả macca sấy của Công ty TNHH MTV Đạt Thủy là một trong bốn sản phẩm của Sơn La được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-nong-thon-chi-phi-san-xuat-tang-khong-duoi-10-178739.html