Doanh nghiệp dệt may thận trọng với mục tiêu kinh doanh 2025
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 13,78 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu mặt hàng dệt may trong tháng 4 đã thu về hơn 3,5 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 4 năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 13,78 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD. Như vậy, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng ngành dệt may phải xuất khẩu trên 4,2 tỷ USD.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu với khoảng trên 22-24 tỷ USD. Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn đến từ thuế quan của Mỹ và chiến tranh thương mại toàn cầu, song xuất khẩu dệt may vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD trong năm 2025.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt, trong bối cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn, nhất là với một số ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50% như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử.
Do vậy các công ty cần tiếp tục duy trì và phát triển mở rộng các thị trường và các bạn hàng cũ như Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc… đồng thời phát triển thị trường mới như Nga, Trung Đông, Nam Á… Để tăng tính bền vững, giảm rủi ro về xuất xứ, doanh nghiệp đang rốt ráo tìm kiếm khách hàng dùng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức và rủi ro tiềm ẩn trên hành trình phát triển, trước những biến động về chính sách thương mại, hàng rào thuế quan từ các thị trường lớn; trong đó, có Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam - nhiều doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu kinh doanh khá dè dặt trong năm nay.
Tổng công ty May Đức Giang đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 với 2.700 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 85 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng. Mục tiêu này tăng nhẹ so với năm trước. Ông Phạm Tiến Lâm, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc May Đức Giang thừa nhận, năm nay, khó khăn, bất ổn trong kinh doanh nhiều hơn năm ngoái do thuế quan đối ứng của Mỹ áp thuế đối ứng lên nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, cùng đó là chiến tranh thương mại khiến chuỗi cung ứng sẽ một lần nữa đứt gãy và phân hóa gây khó khăn cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Để thực hiện mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ so với năm ngoái, May Đức Giang sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp thích ứng với tình hình thị trường mới trong bối cảnh thuế quan bất định, đẩy mạnh hoạt động Marketing và ứng dụng AI trong mọi hoạt động, cải thiện liên tục chất lượng sản phẩm, kiểm soát chi phí và rủi ro, quy hoạch và đào tạo nhân sự trẻ có chuyên môn cao.

Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP (Hugaco), mục tiêu doanh thu năm nay được doanh nghiệp đưa ra ở mức 616 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 50 tỷ đồng. Lãnh đạo Công ty May Hưng Yên cũng cho biết, kinh doanh khó khăn hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân cho người lao động từ mức 12 triệu đồng/người/tháng của năm ngoái lên mức 12,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2025.
Để đạt được kế hoạch đề ra, trước mắt, doanh nghiệp huy động người lao động tập trung cao nhất về hiệu suất lao động nhằm hoàn thành những đơn hàng đã ký với khách hàng xuất vào Mỹ.
Theo bà Phạm Thị Phương Hoa, doanh nghiệp đang bám sát động thái tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như kết quả đàm phán về thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ để chuẩn bị phương án đàm phán với khách hàng Mỹ và các thị trường khác về tăng thuế (so với các nước khác).