Doanh nghiệp dệt may trước bài toán cân đối chi phí để 'xanh hóa'
Tình hình đơn hàng của ngành dệt may trong nước năm 2024 đã có sự phục hồi đáng kể so với năm 2023. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã kết nối đến hiệp hội để tìm kiếm những đơn vị nhỏ hơn và thuê gia công những đơn hàng lớn. Cùng với đó, việc xanh hóa cũng đang cho thấy các cơ hội để doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, đầu tư.
Doanh nghiệp chủ động đón các cơ hội ngắn hạn
Tại Hội nghị được tổ chức mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cho biết: "Điểm khác biệt năm 2024 so với 2023 là sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn. Những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanmar đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam".
Báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2024, Vinatex ước tính doanh thu hợp nhất 13.036 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 490 tỷ đồng, tăng hơn 70%. Với kết quả này, Tập đoàn ước thực hiện được gần 73% chỉ tiêu doanh thu và hơn 89% mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường, năm 2024, bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. Điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với 2023 là sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn.
6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành dệt may chỉ xuất khẩu được khoảng 20 tỷ USD, nhưng sau đó, những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanmar đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam.
"Các doanh nghiệp cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành ổn định, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu vẫn đang đối mặt với tình hình khó khăn suốt 30 tháng trở lại đây", ông Trường nhấn mạnh.
Hồi tháng 8, trong bối cảnh quốc gia có xung đột, Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh đã yêu cầu tất cả các nhà máy ở nước này đóng cửa cho đến khi cuộc bạo loạn được kiểm soát. Đến ngày 7/8, các nhà máy may mặc tại Bangladesh đã mở cửa trở lại.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dẫn nguồn tin của Business Standard của Bangladesh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25% - 40%. Đó là chưa kể đến giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm trên thế giới. Nhập khẩu từ Tây Âu sụt giảm vì lạm phát; nhập khẩu từ Nga cũng giảm sâu. Một số doanh nghiệp, trước xuất khẩu được sang Nga giá trị hơn 1 triệu USD/tháng thì nay giảm về bằng 0.
Doanh nghiệp và bài toán cân đối chi phí khi "xanh hóa"
Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động và đang có đà tăng trưởng tốt, duy trì sự tăng trưởng ổn định trước các biến động bất thường của thế giới. Trên thực tế, doanh nghiệp dệt may cũng đang đứng trước nhiều áp lực và động lực “xanh hóa”, tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên.
Chia sẻ với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, để tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn cũng như phát triển bền vững, công ty đã lên mục tiêu và triển khai hành động cụ thể để đáp ứng các các yêu cầu pháp lý trong nước cũng như thỏa mãn các yêu cầu đánh giá từ các thị trường nhập khẩu.
“Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng không tránh khỏi một số bất cập. Về chính sách vĩ mô cũng như cơ sở của luật pháp thì cũng có đầy đủ, nhưng cụ thể trong quá trình thực tiễn triển khai cũng không tránh được một số khó khăn, vì việc dẫn giải chưa rõ ràng, có những cách hiểu của địa phương, các cơ quan ban, ngành ở một số địa phương không giống nhau”, ông Mạnh nói.
Bên lề một cuộc họp ngành dệt may được tổ chức mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cũng đã có những chia sẻ với phóng viên về thách thức toàn ngành đang phải gặp trong năm nay.
Theo vị này, bên cạnh những kết quả ngành đạt được trong nhiều năm qua như kim ngạch xuất khẩu cao và tăng trưởng ổn định (trừ thời điểm dịch bệnh có sự chững lại), các doanh nghiệp trong ngành đang phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia,... “Chúng ta phải cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm, đẳng cấp thời gian giao hàng,... cạnh tranh chất lượng.
Đồng thời, ngành dệt may hiện nay chịu áp lực từ những thị trường nhập khẩu, họ đưa ra những quy định rất khắt khe. Ví dụ như ở Châu Âu có chiến lược dệt may bền vững (thay thời trang nhanh bằng thời trang bền vững).
Như vậy chúng ta phải đáp ứng được hàng loạt yêu cầu của họ, từ khâu thiết kế sinh thái cho đến khâu sản xuất, tiêu dùng, thậm chí thải bỏ bền vững. Ví dụ như sản phẩm thải bỏ ra, hàng tồn kho cũng phải có kế hoạch thu gom, tái chế.
Đặc biệt là vấn đề môi trường trường xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế kinh doanh, tuần hoàn,... rất nhiều yêu cầu và đặc biệt việc liên quan đến sử dụng lao động, liên quan đến một số quy định tại các quốc gia…”
Theo đại diện của VITAS, ngành dệt may xuất khẩu nhiều nhưng cũng nhập khẩu lớn, chủ yếu là nguyên vật liệu là bông, bán sản phẩm làm từ bông… Trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc với trên 50%, do đó khó tránh khỏi việc sử dụng sản phẩm từ các vùng quốc gia nhập khẩu không cho phép.
“Do đó chúng tôi cũng lưu ý các doanh nghiệp chú ý truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là giao thương, ký kết hợp đồng thì hết sức chặt chẽ để kiểm soát được những thiệt hại, rủi ro”, ông Cẩm nói.
Đối diện với sự đổi mới yêu cầu từ các thị trường, đại diện Hiệp hội dệt may cho rằng việc này cũng có 2 mặt. Một mặt là cơ hội để các doanh nghiệp nhận thức được việc phải nâng tầm hoạt động. Ví dụ như phải đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, áp dụng số hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế toàn hoàn. Như vậy cũng là tạo hình ảnh cho doanh nghiệp và có cơ hội từ các đối thủ không làm được.
Nhưng mặt khác cũng sẽ kéo theo nhiều vấn đề, mà một trong những vấn đề nan giải và phức tạp nhất là chi phí.
“Là doanh nghiệp thì kinh doanh phải có lãi. Chứ không thể chạy theo xanh hóa mà mình chưa đủ điều kiện thì có khi chưa đáp ứng được các yêu cầu đó thì đã giải thể. Do vậy, doanh nghiệp phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tính toán giữa lợi ích và chi phí thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu và phát triển bền vững”, ông Cẩm nói.
Đồng thời, nguồn nhân lực cũng là bài toán phải để tâm. “Lực lượng dệt may đa số sử dụng lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và trình độ còn thấp. Trong khi các thị trường yêu cầu về xanh hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động. Do đó mình phải đào tạo, trang bị kỹ năng, không chỉ là công nhân mà kể cả những người quản lý”, đại diện VITAS nói thêm.
“Đây (xanh hóa - PV) là vấn đề tất yếu, anh làm sớm hay muộn thôi chứ không phải là không làm. Anh không có sự lựa chọn. Cho nên mặc dù có thể điều kiện trước mắt chưa đảm bảo nhưng anh luôn luôn phải để tâm đến và có kế hoạch để từng bước thực hiện nó. Bởi vì nếu không anh sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi bất kỳ lúc nào”.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhất là những đơn vị xuất khẩu cho các thị trường lớn đã đáp ứng được các yêu cầu như tỷ lệ sử dụng điện tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn nguyên phụ liệu tái chế,... Còn với các đơn vị chưa làm được thì mua tín chỉ mua tín chỉ carbon.
“Việc thay đổi là tất yếu, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của pháp luật Việt Nam còn đáp ứng được các yêu cầu trên thế giới”, ông Cẩm nhấn mạnh.