Doanh nghiệp điện tử Việt 'mơ quá xa để tuột tay cơ hội gần kề'

Rất nhiều đơn hàng quy mô nhỏ, 'vừa miếng' với doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang bị thờ ơ. 'Đừng mơ quá cao quá xa để rồi vuột mất cơ hội cận kề', đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) lưu ý.

Đón nhiều 'ông lớn' công nghệ nhưng vẫn ở đáy 'đường cong nụ cười'

“Việt Nam đang trở thành địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp điện tử toàn cầu khi một loạt 'ông lớn' tìm tới đặt nhà máy”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành VEIA, nhấn mạnh.

Số liệu về các dự án lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp điện tử Việt Nam của của VEIA mới đây cho thấy, nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực điện tử là Samsung (Samsung Electronics, Samsung Display), với tổng cộng 8 dự án, tổng vốn đầu tư 21,5 tỷ USD.

LG (LG Electronics, LG Display) chiếm vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Hiện LG cung cấp màn hình OLED cho cả Samsung, Apple...

Vị trí số ba, Intel đầu tư lĩnh vực microchip với tổng vốn 1,75 tỷ USD, đang tiếp tục mở rộng khâu nghiên cứu, kiểm định, đóng gói chip.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Những vị trí kế tiếp thuộc về một số 'ông lớn” công nghệ đến từ Nhật Bản (Canon, Nokia, Panasonic) đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện tử tiêu dùng, máy tính, thiết bị ngoại vi. Tiếp đến là loạt thương hiệu như: Fukang Technology, Ja Solar Vietnam, Luxshare, Foxconn, Pegatron, Wistron, Goertek, Everwin, JuTeng..

Cuối năm 2023, Amkor cũng cam kết đầu tư vào lĩnh vực đóng gói chip, giá trị 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh.

Ngay đầu năm 2024, thêm nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực sản xuất linh kiện và tế bào quang điện, tại một số địa phương phía Bắc.

Các doanh nghiệp trên góp phần quan trọng giúp "bức tranh" xuất khẩu điện tử có nhiều điểm sáng. 10 năm liên tiếp, ngành công nghiệp điện tử đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong các ngành chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

“Theo Báo cáo Thương mại thế giới (World Trade Report), Việt Nam đứng thứ hai toàn cầu về xuất khẩu điện thoại không dây, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và phụ kiện. Đây là kết quả ấn tượng và đáng tự hào. Khi tôi sang Ấn Độ, hoặc khi làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ, họ bày tỏ rất ngưỡng mộ Việt Nam trong các hoạt động xuất khẩu điện tử và cũng học tập khá nhiều kinh nghiệm về chính sách của chúng ta”, bà Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, đến nay, "vai chính" trong hoạt động gia công sản xuất điện tử tại Việt Nam hầu hết vẫn do các thương hiệu lớn và các nhà sản xuất linh kiện hàng đầu đảm nhận. Gần như chưa doanh nghiệp nội nào có thể làm chủ đầu chuỗi cung ứng.

“Chúng ta tham gia quá trình lắp ráp ở khâu cuối cùng nên biên lợi nhuận mỏng, giá trị gia tăng khá thấp, chỉ đóng góp khoảng 5-10% giá trị xuất khẩu. Đây là một trong những điểm yếu của chuỗi cung ứng Việt Nam hiện nay”, bà Hương phân tích.

Xem xét giá trị gia tăng “đường cong nụ cười” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giá trị cao nhất thuộc về các mảng R&D (nghiên cứu và phát triển), dịch vụ sau bán hàng, thiết kế, marketing; giá trị thấp hơn thuộc về logistic thu mua, logistic phân phối; thấp nhất ở khâu sản xuất.

Dù thu hút không ít “ông lớn” công nghệ, Việt Nam vẫn đang ở dưới đáy của “đường cong nụ cười”, chủ yếu tham gia mảng sản xuất điện tử.

Bà Hương hy vọng, ngành công nghiệp điện tử có thể nhích dần lên trên “đường cong nụ cười" khi Chính phủ đang đầu tư rất lớn cho nguồn nhân lực để chúng ta có thể tham gia mảng thiết kế.

Tận dụng cơ hội để bứt phá

Hai năm trở lại đây, nền kinh tế ngấm đòn bởi suy thoái hậu Covid-19. Nhiều doanh nghiệp Việt với suy nghĩ tiêu cực, chán nản đã giải tán hàng loạt bộ phận sản xuất truyền thống.

“Suy nghĩ tiêu cực của CEO và hàng ngũ lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn đến người lao động cũng như tâm và thế của doanh nghiệp khi tiếp xúc với đối tác bên ngoài. Vì thế, doanh nghiệp phải nhìn nhận hết khó khăn cũng như cơ hội, suy nghĩ tích cực hơn. Chúng ta như một đội bóng còn yếu về thế và lực, cần phòng thủ chắc chắn - tận cơ vượt khó - bắt kịp xu thế và phản công nhanh”, đại diện VEIA khuyến nghị.

Việt Nam vẫn đang ở dưới đáy của “đường cong nụ cười”, chủ yếu tham gia mảng sản xuất điện tử. Ảnh: Bình Minh

Việt Nam vẫn đang ở dưới đáy của “đường cong nụ cười”, chủ yếu tham gia mảng sản xuất điện tử. Ảnh: Bình Minh

Riêng về chuyện “phòng thủ”, đại diện VEIA đặc biệt lưu ý doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi bằng luật pháp.

Rất nhiều doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp lại xử lý theo cách phi pháp luật, tự đẩy mình vào vòng rủi ro pháp lý. Theo bà Hương, doanh nghiệp cần xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt. Đấy là cách phòng thủ chắc chắn và có thể phản công nhanh.

“Khi chúng tôi đưa doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế, có nhiều cơ hội tiếp xúc với các đơn hàng quy mô nhỏ rất 'vừa miếng' với doanh nghiệp Việt. Thậm chí, có những đơn hàng không yêu cầu gì lớn về mặt công nghệ, chỉ đơn giản như tủ lạnh cỡ nhỏ, có chức năng cơ bản để đặt vào chuỗi khách sạn của các doanh nghiệp Thụy Điển, Na Uy.

Những lần như thế, hiệp hội có gửi thông tin nhưng số lượng doanh nghiệp tương tác với đơn hàng rất hạn chế. Đơn hàng nhỏ gắn với xu thế tiêu dùng thiết yếu không ít nhưng doanh nghiệp Việt cứ kỳ vọng đơn hàng lớn. Đừng mơ quá cao quá xa để rồi vuột mất cơ hội cận kề”, bà Hương cảnh báo.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp là điều cấp thiết nếu muốn tận dụng tốt cơ hội. Các doanh nghiệp cùng ngành hàng cần chia sẻ cho nhau thông tin đơn hàng, điều kiện thanh toán với đối tác...

Bà Hương dẫn chứng, một số đơn hàng ban đầu đề nghị thanh toán chậm 60 ngày, 90 ngày. Nhiều doanh nghiệp có năng lực đàm phán tốt đã đàm phán giảm xuống còn 30 ngày, thậm chí còn có hạn mức tín dụng. Nhưng cũng không ít doanh nghiệp phải chấp nhận trả chậm đến 90 ngày sau khi gia công xong, để các chủ đơn hàng chiếm dụng vốn rất lớn.

"Nếu đi buôn không có bạn, đi bán không có phường, cứ lặng lẽ làm, không chia sẻ thông tin thì rất thiệt thòi. Mặt khác, khi có đơn hàng lớn, một doanh nghiệp không đảm nhận được, có thể thông tin rộng rãi để 3-4 doanh nghiệp cùng xắn tay làm, nhờ đó sẽ không mất những cơ hội tiếp theo”, bà Hương nói.

Cũng theo đại diện VEIA, hiện có nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như hiệp hội, doanh nghiệp nên tận dụng tốt hơn. Trên thực tế, bà Hương nói rằng nhiều khi hiệp hội ra sức hô hào nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ, có thể do thiếu niềm tin.

Ngoài ra, hiện có khá nhiều quy định quốc tế mới về xanh, sạch, tuần hoàn cần chú ý nắm bắt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn bàng quan.

“Chúng tôi kết hợp tổ chức các khóa tập huấn về ESG (phát triển bền vững), những doanh nghiệp tích cực thì tham gia liên tục, cũng có đơn vị chúng tôi mời mãi không có ý kiến gì. Trong khi, doanh nghiệp thực hành tốt ESG và kinh tế tuần hoàn có thể có cơ hội tiếp cận tín dụng xanh, một hướng đi mới rất khả thi khi nhiều đơn vị vẫn kêu khó trong tiếp cận vốn vay”, bà Hương chia sẻ.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-dien-tu-viet-mo-qua-xa-de-tuot-tay-co-hoi-gan-ke-2292928.html