Doanh nghiệp gặp khó khăn vì bất khả kháng được giảm mức đóng kinh phí công đoàn

Theo dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

Lao động nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 24/10, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.

Bảo đảm Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam.

Đồng thời, kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Quốc hội.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đồng thời đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động.

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại Công đoàn cơ sở”.

Về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Cụ thể hành vi bị nghiêm cấm về phân biệt đối xử với cán bộ Công đoàn

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề xuất của Cơ quan soạn thảo, dự thảo Luật quy định giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia, phối hợp giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và hoạt động chủ trì giám sát. Hoạt động tham gia, phối hợp giám sát thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội.

Về phản biện xã hội của Công đoàn, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý như thể hiện tại Điều 17 để bảo đảm thống nhất với Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động, công đoàn (Điều 27), dự thảo Luật quy định thời giờ làm việc của cán bộ Công đoàn không chuyên trách được giữ như quy định hiện hành.

Đáng quan tâm, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã có tài sản sau khi phân chia mà không đủ số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn theo quy định thì được miễn số tiền đó.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được giảm mức đóng kinh phí công đoàn. Trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng...

“Chính phủ quy định về mức giảm kinh phí công đoàn và trình tự, thủ tục miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn”, theo dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các nguyên tắc hợp tác quốc tế, nội dung hợp tác quốc tế và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn, quản lý hoạt động quốc tế của công đoàn; quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm về phân biệt đối xử với cán bộ Công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-gap-kho-khan-vi-bat-kha-khang-duoc-giam-muc-dong-kinh-phi-cong-doan-179574.html